Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng 2.000 đồng/lít

Bộ Tài chính vừa đưa ra phương án mới giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Với việc điều chỉnh giảm mức thuế này, dự kiến cả năm sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn, dự kiến cả năm sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng. (Ảnh: Int)
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn, dự kiến cả năm sẽ giảm khoảng 29.035 tỷ đồng. (Ảnh: Int)

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự án Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó thay vì chỉ giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít với dầu như phương án đưa ra ban đầu, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức giảm thuế bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm.

Từ đó tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu NSNN bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng/tháng).

Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 01/4/2022 thì số giảm thu NSNN (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng.

Đề xuất này được xây dựng trong bối cảnh cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, đặc biệt trước xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga gây nên thiếu hụt nguồn cung dầu thô, xăng dầu thành phẩm trong khi nhu cầu xăng dầu đang tăng mạnh khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế.

Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao ảnh hưởng đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước và công tác tạo nguồn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng lên mức 142-158 USD/thùng (giá ngày 7/3), tăng 51-69 USD/thùng so với giá ngày đầu tháng 1/2022.

Trong bối cảnh đó, ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo Bộ Công Thương, với mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11/3 có thể tăng 5.000-8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng từ 27-44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022.

Trước đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều, số dư hiện khoảng 620 tỷ đồng.

Xem thêm

Chưa tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường

Chưa tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường

Sáng 12/07, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Trước nhiều ý kiến trái chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa thông qua Dự thảo Nghị quyế

Có thể bạn quan tâm