Theo Bộ Tài chính, thời gian qua thanh tra Tài chính tại địa phương phối hợp với các lực lượng Công an, Quản lý thị trường... tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa.
Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, lực lượng liên ngành đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra để ngăn chặn kịp thời việc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, khẩu trang... và các hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân, khi có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa.
Bên cạnh đó, các lực lượng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật với mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng; tiếp tục vận động các thương nhân tham gia ký cam kết bán hàng hóa phải niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết...
Song, Bộ Tài chính theo quy định hàng hóa thuộc diện kê khai do doanh nghiệp tự định và gửi bản kê khai đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để thực hiện là phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhưng chưa phát huy được hết hiệu quả đối với cả cơ quan quản lý và cả phía đơn vị thực hiện.
Theo quy định tại Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc kê khai chỉ là cung cấp thông tin về giá để có ngay các giải pháp điều hành, bình ổn giá, vì vậy cần tiếp tục củng cố khâu tổ chức thực hiện linh hoạt, hiệu quả.
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra giá, Luật Giá chưa có các quy định cụ thể về công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; một số chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá và thẩm định giá vẫn còn chưa đủ chặt chẽ, đảm bảo theo kịp với sự phát triển, thay đổi không ngừng của kinh tế xã hội nói chung cũng như từng ngành nghề nói riêng. Do đó, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá luôn gặp khó khăn nhất định; nhất là khi phát sinh các yêu cầu về đánh giá nắm bắt chi phí giá thành, công tác định giá của doanh nghiệp để phục vụ triển khai các giải pháp điều hành, bình ổn giá thị trường.
Đặt trong bối cảnh quản lý giá bằng các biện pháp vĩ mô, trao nhiều quyền chủ động cho doanh nghiệp thì việc tăng cường công tác hậu kiểm là cần thiết được chú trọng hơn nữa...Vì thế, sửa đổi Luật Giá sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.