Bộ Tài chính chỉ ra nhiều bất cập trên thị trường chứng khoán

Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều bất cập trên thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính chỉ ra nhiều bất cập trên thị trường chứng khoán

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, phát sinh nhiều rủi ro

Tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài chính cho biết, thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016 - 2021, riêng năm 2021 là 33,2%.

Tính đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021; trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4% GDP; qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP).

Theo Bộ Tài chính, thông qua thị trường vốn, các chủ thể huy động được khối lượng vốn lớn cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn năm 2021 đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng; trong đó, huy động vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 318.000 tỷ đồng; huy động vốn của doanh nghiệp qua phát hành cổ phiếu, cổ phần hóa đạt khoảng 143,5 nghìn tỷ đồng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 637.000 tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong 5 tháng đầu năm 2022, quy mô huy động vốn trên thị trường trái phiếu là trên 250 nghìn tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, trên thị trường chứng khoán có 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết, 858 cổ phiếu đăng ký giao dịch; 83 công ty chứng khoán, 44 công ty quản lý quỹ, 2 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư là trên 5,2 triệu tài khoản, tăng 21,1% so với cuối năm 2021, giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 28.745 tỷ đồng/ phiên, tăng 8,1% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nên phát sinh rủi ro như một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật đã gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bên cạnh đó, một số tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty thẩm định giá... chưa tuân thủ quy định pháp luật trong việc tư vấn hồ sơ chào bán, kiểm toán báo cáo tài chính, định giá tài sản đảm bảo hoặc chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư hiện đang bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra để xử lý vi phạm, như vụ việc của Tân Hoàng Minh.

Ngoài ra, tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế, một số doanh nghiệp sử dụng vốn cho mục đích không rõ ràng.

Bộ Tài chính cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành chưa cao, có doanh nghiệp cố tình vi phạm và thông đồng với các công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ để thực hiện các hành vi gian lận trên thị trường. Đặc biệt, nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, nhất là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, theo tin đồn, chưa có kinh nghiệm phân tích, khả năng quản lý tài chính, đầu tư, thậm chí có nhiều cá nhân đã đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn do đó không được coi là chủ sở hữu trái phiếu.

Cùng với đó, tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, một số tổ chức trung gian là ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cung cấp thông tin không đầy đủ để lôi kéo khách hàng cá nhân, có trường hợp hỗ trợ lập hồ sơ chào bán có thông tin chưa chính xác, hoặc hỗ trợ hợp thức hóa hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để được mua trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Bộ Tài chính cũng cho biết, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng. Điển hình là vụ việc của FLC và Louis.

Theo Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây phát sinh nhiều hành vi vi phạm tinh vi, gian lận quy định pháp luật trong khi quy định về mức xử phạt còn nhẹ, chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe; quy định về thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi kiểm tra, thanh tra chưa đảm bảo khả năng giám sát toàn diện đối với những hành vi vi phạm mới phát sinh; điều kiện phát hành trái phiếu và điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán đang tương đối thấp.

Cùng với đó, thị trường vẫn trong giai đoạn đầu phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý; trước tác động của các thông tin quốc tế và trong nước bất lợi, các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát nên thị trường chứng khoán có nhiều phiên giảm mạnh thời gian gần đây.

Thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây phát sinh nhiều hành vi vi phạm
Thị trường chứng khoán tăng trưởng quá nhanh trong 2 năm gần đây phát sinh nhiều hành vi vi phạm

6 giải pháp 

Theo Bộ Tài chính, sáu giải pháp được đưa ra nhằm phát triển thị trường chứng khoán theo hướng minh bạch và bền vững.

Thứ nhất, trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan bám sát thực tiễn, điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện ổn định, phát triển nhanh, bền vững thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Cùng đó, lên kế hoạch rà soát đồng bộ từ Luật đến các Nghị định và văn bản hướng dẫn để tăng cường minh bạch thông tin, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Đối với các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính, sẽ tập trung rà soát để đề xuất sửa đổi các chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Thứ hai, đối với trái phiếu doanh nghiệp, hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán Trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe; và thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán trong giám sát dòng tiền và quản lý, giám sát các hoạt động trên thị trường chứng khoán.

Thứ ba, về tổ chức điều hành thị trường, Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán, tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường. Khẩn trương thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thứ tư, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc thao túng, phối hợp xử lý các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, cung cấp thông tin cho cơ quan công an khi có các dấu hiệu nghi ngờ trong quá trình thanh, kiểm tra.

Thứ năm, để cải thiện chất lượng cầu đầu tư, bộ sẽ thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, các quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...

Thứ sáu, tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư cá nhân có đầy đủ kiến thức khi tham gia thị trường thông qua công tác truyền thông, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư.

Xem thêm

6 mã chứng khoán bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng

6 mã chứng khoán bị ông Trịnh Văn Quyết thao túng

Ngày 7/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục ra thông báo tìm các các nhà đầu tư (người bị hại) liên quan đến vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các đơn vị có liên quan.

Có thể bạn quan tâm

Duy trì danh mục với cổ phiếu giữ được biên độ sideway theo VN-Index hoặc tăng nhẹ nhờ lực cầu ổn định

Duy trì danh mục với cổ phiếu giữ được biên độ sideway theo VN-Index hoặc tăng nhẹ nhờ lực cầu ổn định

Nhà đầu tư chỉ nên duy trì danh mục đối với những cổ phiếu xác nhận hỗ trợ thuyết phục, giữ được biên độ sideway theo VN-Index hoặc vẫn tăng nhẹ nhờ lực cầu ổn định. Đồng thời, có thể cân nhắc giải ngân thêm khi thị trường có nhịp rung lắc ở những cổ phiếu này...

Lợi nhuận 9 tháng MWG gấp 37 lần cùng kỳ, vượt 20% kế hoạch năm

Lợi nhuận 9 tháng MWG gấp 37 lần cùng kỳ, vượt 20% kế hoạch năm

Trong 9 tháng đầu năm 2024, MWG ghi nhận doanh thu thuần đạt 99.767 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng, gấp hơn 37 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, MWG đã hoàn thành gần 80% mục tiêu doanh thu và vượt 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm mà công ty đề ra...

Nasdaq chạm đỉnh lịch sử

Nasdaq chạm đỉnh lịch sử

Nasdaq lập kỷ lục mới trong phiên 29/10 khi các nhà đầu tư đánh giá hàng loạt báo cáo lợi nhuận và chờ đợi kết quả từ Alphabet được công bố sau giờ đóng cửa…

Nắm giữ các cổ phiếu dài hạn, chuẩn bị tiền mặt để giải ngân khi về định giá hấp dẫn

Nắm giữ các cổ phiếu dài hạn, chuẩn bị tiền mặt để giải ngân khi về định giá hấp dẫn

Nhà đầu tư nên theo sát diễn biến tỷ giá, giá dầu và các thị trường thế giới để chờ đợi các tín hiệu xác nhận xu hướng hồi phục rõ ràng hơn. Đồng thời, tập trung nắm giữ các cổ phiếu dài hạn và chuẩn bị sẵn lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu này về định giá hấp dẫn...

Ngành hóa chất đảo chiều: Doanh nghiệp nhỏ tăng vọt, DGC hụt hơi

Ngành hóa chất đảo chiều: Doanh nghiệp nhỏ tăng vọt, DGC hụt hơi

Ngành hóa chất hiện đang cho thấy sự phân hóa rõ rệt, khi các doanh nghiệp nhỏ hơn như Hóa chất Cơ bản Miền Nam và Hóa chất Việt Trì đang tận dụng đà tăng trưởng của thị trường để bứt phá, trong khi "ông lớn" Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận...