Theo đó, Bộ Tài chính cho biết thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Mục đích của chính sách thuế này nhằm hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường.
Do đó, luật thuế bảo vệ môi trường không quy định miễn thuế này, Bộ Tài chính khẳng định.
Quan điểm của Bộ Tài chính là việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường về 0 sẽ không đảm bảo đúng bản chất của thuế bảo vệ môi trường.
Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay, để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải và tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, từ 1/8/2020 đến nay, UBTVQH đã ban hành 3 nghị quyết giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Trong đó, ngày 6/7 vừa qua, UBTVQH có nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trong đó có nhiên liệu bay) xuống bằng mức sàn 1.000 đồng/lít, áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Bộ Tài chính cho biết, mức giảm tại Nghị quyết ngày 6/7 là mức điều chỉnh tối đa theo thẩm quyền của UBTVQH đã được Quốc hội giao tại Luật thuế bảo vệ môi trường.
Trường hợp cần giảm hơn nữa mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay thì cần phải trình Quốc hội xem xét quyết định.
Trước đó, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Hãng bay này cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay áp dụng từ 1/4/2022; nghiên cứu, đề xuất phương án cho phép hãng hàng không được thu phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa.