Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh: Sẽ chuyển sang cơ quan điều tra những dự án mỏ có sai phạm nối tiếp sai phạm

Theo ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phần lớn các sai phạm về khoáng sản do vượt công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ngày 4/6/2024, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường. Trả lời chất vấn về công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ phân luồng kiểm tra cùng các bộ ngành và địa phương.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Qua 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.

Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng nhận thấy, các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường.

“Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm này”, ông Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh

Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương. Bộ trưởng cũng thông tin thêm, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này.

Nói về chiến lược khai thác, chế biến khoáng sản Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam có trữ lượng tương đối lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Đề án điều tra cơ bản, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Thủ tướng. Đồng thời khẳng định quan điểm, việc khai thác, chế biến cần tính đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chíp bán dẫn, hướng tới xuất khẩu.

Đối với vật liệu san lấp, đến nay đã thực hiện cơ chế đặc thù về việc cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, dự án cao tốc. Chính phủ cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai; đồng thời chỉ đạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các hướng dẫn về vật liệu xây dựng cho các dự án, nhờ vậy đến nay, tiến độ của các dự án này đạt yêu cầu đề ra.

Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội cho phép đã được triển khai rất hiệu quả. Để luật hóa nội dung này, theo luật hiện hành quy trình cấp mỏ giống như kim loại quý và chưa được phân loại, phân nhóm.

Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó đã phân loại 4 nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi. Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ nữa mà chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.

040620240821-z5505103564345-ad7548fb7f433eda07fe6765052c448f-8575.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên – môi trường

Còn phương án sử dụng cát biển, Bộ trưởng nêu rõ, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông vận tải trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.

Gần đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu m3. Bộ trưởng cho biết, trữ lượng rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển.

Về lo ngại của đại biểu về nguy cơ nhiễm mặn, Bộ trưởng khẳng định cần đánh giá tác động môi trường, tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Tùy theo công trình, dự án sẽ được đánh giá tác động, với nguyên tắc không được để ảnh hưởng đến nước mặt. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.

Có thể bạn quan tâm