Dự kiến, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời 4 nhóm vấn đề gồm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn; Trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định, giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa; Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; Công tác đào tạo, sát hạch, cấp thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Giao thông vận Tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của Quốc hội.
Ngày 31/5/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có báo cáo số 5555 gửi các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này.
3 năm xây 566km cao tốc
Trong lĩnh vực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho biết, tính đến cuối tháng 5/2023, mạng lưới đường bộ cao tốc bước đầu được hình thành với 29 tuyến/đoạn tuyến cao tốc, tổng chiều dài 1.729km.
Trong đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 566km, bằng 1/2 khối lượng đã triển khai trong gần 20 năm trước đây khoảng 1.163km.
Hiện Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đang tiếp tục triển khai thi công khoảng 1.071km đường cao tốc; gấp rút hoàn thiện thủ tục để khởi công các đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP. HCM, các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh... để hoàn thành thêm khoảng 344km, phấn đấu đến năm 2025 cả nước có trên 3.000km đường bộ cao tốc; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm vào Thủ đô Hà Nội và TP. HCM.
Về hạ tầng hàng không, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó 21 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư phát triển.
Siêu dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Ngoài ra, ACV sẽ bố trí vốn để mở rộng nhà ga hành khách T1 - Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, mở rộng sân đỗ máy bay và các công trình hạ tầng tại một số cảng hàng không khác.
Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được bố trí để cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất; cải tạo mở rộng đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không Côn Đảo.
Giai đoạn đến 2030 Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ có 30 cảng hàng không, đến năm 2050 có 33 cảng hàng không.
An toàn giao thông được đảm bảo
Báo cáo cũng cho biết, tình hình trật tự an toàn giao thông liên tục kéo giảm cả 3 chỉ tiêu gồm số vụ, số người chết và số người bị thương.
Cụ thể, năm 2011 số người chết do tai nạn giao thông là 11.400 người thì đến năm 2020 giảm xuống còn 6.700 người, số vụ tai nạn giao thông đã giảm từ trên 31.600 vụ năm 2012 xuống còn 14.000 vụ vào 2020; số người bị thương trong các vụ tai nạn giao thông cũng giảm từ 33.400 người năm 2012 xuống còn 10.800 người năm 2020. Trong khi số phương tiện giao thông cơ giới tăng từ 35,8 triệu lên 72 triệu (tăng hơn 100%) trong đó xe máy tăng từ 33,9 triệu năm 2011 lên 67,4 triệu xe vào năm 2020; ô tô tăng từ 1,9 triệu xe năm 2011 lên 4,6 triệu xe năm 2020 ; dân số đã tăng từ 87 triệu (2010) lên 97 triệu (2020), tương đương tăng 11%.
Số giấy phép lái xe cũng tăng trưởng nhanh chóng, giấy phép lái xe ô tô từ 2,5 triệu (2010) lên 8,8 triệu (2020) tương đương tăng 241%, giấy phép lái xe mô tô từ 15 triệu (2010) lên 46 triệu (2020) tương đương tăng 200%.
"Nóng" đăng kiểm
Báo cáo của Bộ Giao thông vận tải cũng nguyên nhân xảy ra các sai phạm là do cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam chậm đổi mới, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Cục Đăng kiểm không có lực lượng thanh tra chuyên ngành độc lập để thực hiện chức năng thanh tra, giám sát thường xuyên đối với lĩnh vực đăng kiểm.
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm của một số cán bộ đăng kiểm rất tinh vi và khép kín ở một số bộ phận của Cục nên rất khó phát hiện so với quyền hạn và nghiệp vụ của các lực lượng chức năng ngành giao thông vận tải.
Về tình trạng ùn tắc đăng kiểm trong thời gian qua, báo cáo của Bộ trưởng Giao thông vận tải cho biết đã báo cáo Chính phủ cho phép áp dụng các giải pháp “tình thế” bằng cách ban hành Thông tư số 08 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 16/2021/TT-BTVT theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thông tư 08 cho phép giãn chu kỳ kiểm định đối với xe 9 chỗ không kinh doanh vận tải đã giúp hơn 1,9 triệu ô tô được giãn chu kỳ đăng kiểm, tạo thời gian để các Trung tâm đăng kiểm tập trung thời gian, nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các loại phương tiện kinh doanh vận tải khác và các phương tiện đã hết hạn kiểm định.
Thông tư 02 cho phép xe chở người dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải sản xuất đến 7 năm được miễn đăng kiểm trong 36 tháng (trước đây là 30 tháng), chu kỳ kiểm định định kỳ là 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây); xe sản xuất từ 7 đến 20 năm (trước đây là 12 năm) chu kỳ định kỳ 12 tháng; xe trên 20 năm chu kỳ là 6 tháng....
Như vậy, các chủ phương tiện sẽ không phải đưa xe đến trung tâm đăng kiểm để thực hiện kiểm định lại. Việc áp dụng giải pháp này sẽ giải quyết được ngay tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định hiện nay và tạo điều kiện cho các Trung tâm đăng kiểm tập trung thời gian, nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ chủ yếu kiểm định cho các loại phương tiện kinh doanh vận tải khác và các phương tiện đã hết hạn kiểm định nhưng chưa được kiểm định để vừa giải quyết được ùn tắc vừa đảm bảo sớm đưa phương tiện vào khai thác vận tải, giảm thiểu các thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp.
Thông tư số 08 còn đảm bảo giảm quyết tình trạng ùn tắc phương tiện kiểm định cho cả sau này (ổn định trong dài hạn).
Để chấn chỉnh kịp thời và khắc phục những tồn tại, bất cập trong lĩnh vực Đăng kiểm, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ đang tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thể chế liên quan đến đăng kiểm để khẩn trương sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn theo hướng tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ của Cục Đăng kiểm, phân cấp, phân quyền tối đa cho các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm gắn liền với tăng cường thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, lãng phí.
Công tác sát hạch chưa ghi nhận vi phạm
Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Bộ Giao thông vận tải cho biết, cả nước hiện có 371 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố, hiện còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.
Theo báo cáo của các Sở Giao thông vận tải, đến ngày 28/2/2023, cả nước có hơn 40.600 ô tô tập lái, hơn 48.400 giáo viên dạy thực hành, hơn 3.800 giáo viên dạy lý thuyết, và hơn 2.300 giáo viên vừa dạy lý thuyết và dạy thực hành.
Năm 2022 cả nước cấp hơn 845.000 giấy phép lái xe ô tô và hơn 927.000 giấy phép lái xe mô tô. Đến nay, cả nước đã cấp hơn 12,2 triệu giấy phép lái xe ô tô và hơn 51 triệu giấy phép lái xe mô tô.
Bộ Giao thông vận tải xác nhận, trong công tác sát hạch, một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở Giao thông vận tải trên phạm vi toàn quốc; đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra.
Đến nay, qua kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của Sở Giao thông vận tải, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; để cơ sở đào tạo gửi báo cáo qua phần mềm chậm nhiều ngày; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thực hành lái xe; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.
Đặc biệt qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.