Đề xuất hàng loạt quy định mới để quản lý dịch vụ Uber, Grab

Bộ Giao thông Vận tải vừa tổ chức hội nghị sơ kết thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng sau hơn 1 năm triển khai.
Đề xuất hàng loạt quy định mới để quản lý dịch vụ Uber, Grab

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay đề án thí điểm đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa (từ tháng 1/2016 đến nay), theo đó có 6 đơn vị cung cấp phần mềm chính thức tham gia thí điểm, 3 nhà cung cấp phần mềm đã có đề án gửi về Bộ Giao thông Vận tải và đang hướng dẫn hoàn thiện đề án; 235 đơn vị vận tải với 13.534 xe tham gia thí điểm. 

“Qua thời gian thí điểm về công tác quản lý nhà nước, ngành đã nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện. Đồng thời, bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng. Việc thanh toán với người thuê vận tải (hành khách) được công khai minh bạch biết trước được các thông tin về hành trình và khoản tiền phải chi trả cho chuyến đi (giá trị hợp đồng). Đặc biệt, công tác thu nộp thuế của các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải cơ bản được chấp hành tốt,” ông Trần Bảo Ngọc cho hay. 

Ngoài ra, hiệu quả về hoạt động kinh doanh vận tải được các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia thí điểm đánh giá cao. Nhờ ứng dụng công nghệ nên các đơn vị vận tải nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đối với lái xe, nâng cao hiệu quả sử dụng phương tiện và từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được của đề án, quá trình này cũng xuất hiện nhiều bất cập, nhất là công tác quản lý.

"Cụ thể, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang quản lý lượng taxi truyền thống theo đề án, nhưng không kiểm soát nổi xe hợp đồng bằng điện tử đối với xe dưới 9 chỗ (uber, grab) chạy theo dạng taxi, nên số lượng này tăng một cách chóng mặt...”.

Cũng theo ông Quang, hiện nay Grab, Uber đăng ký với hình thức là công ty ứng dụng công nghệ, nhưng hoạt động giống như một doanh nghiệp taxi. Trong khi đó, hệ thống pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc nhận dạng, quản lý đối với loại hình này gây nên sự thiếu công bằng với các doanh nghiệp taxi truyền thống và khó khăn trong việc quản lý, xử phạt các xe trên. 

“Vì vậy chúng tôi đề nghị cho phép thành phố dừng mở rộng việc công tác thí điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội; không bổ sung thêm các đơn vị và các đơn vị tham gia thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đồng thời, xem xét rút ngắn thời gian thí điểm trong năm 2017 để đánh giá kết quả...”- ông Quang nói. 

Có cùng quan điểm với đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, việc quản lý xe hợp đồng dưới 9 chỗ Tp. Hồ Chí Minh cũng như Hà Nội là rất khó khăn. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh trên 11.000 xe taxi và theo quy hoạch đến năm 2020 là 14.000 xe. Tuy nhiên, từ lúc Grab thí điểm đến nay số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ là 22.000 xe. 

“Vì vậy, chúng tôi xin dừng cung cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và phù hiệu đối với xe ôtô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cho đến khi ban hành quy hoạch về số lượng phương tiện. Việc này để làm căn cứ thực hiện theo đúng số lượng quy hoạch trên địa bàn”- ông Gia nêu kiến nghị. 

Tuy nhiên, đại diện đến từ Bộ Tư ​pháp, ông Lê Đại Hải, Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Từ Pháp) cho rằng, loại hình Uber, Grab có rất nhiều tiện lợi như giá rẻ, tiện lợi, nhanh và đặc biệt loại hình này đã được xã hội thừa nhận. Như vậy, nếu cơ quan nhà nước tìm cách cấm cũng không được. Vấn đề ở đây là tìm cách quản lý loại hình này về mọi mặt một cách hiệu quả để đảm bảo sự bình đẳng, không thất thu thuế, quyền lợi khách hàng... 

“Các doanh nghiệp truyền thống hiện nay thường bảo mình "gánh” tới 13 điều kiện kinh doanh như: có ít nhất 10 xe, đô thị đặc biệt có tối thiểu 50 xe. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp taxi vẫn sử dụng hình thức góp xe và ông chủ chỉ là người đại diện pháp luật. Vì vậy, câu chuyện của chúng ta nếu lấy mô hình của một taxi truyền thống mà nói ông Grab, Uber phải có sở hữu xe thì không đúng nữa.” ông Hải nói. 

Chủ trì hội nghị sơ kết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định, hiện nay các văn bản pháp luật chưa theo kịp để quản lý loại hình Uber, Grab nên có sự lúng túng. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đang sửa Nghị định 86/NĐ –CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô, nhằm có giải pháp tích cực để quản lý các xe này. 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc các sở Giao thông Vận tải không kiểm soát được hoạt động của các loại hình này cũng một phần xuất phát từ sự yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước. 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng đồng tình với ý kiến của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa về việc cần thống nhất logo cho các xe hợp đồng, đồng thời cho biết Bộ đồng ý tạm thời chưa cấp thêm cho dơn vị tham gia thí điểm. 

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, trước mắt sau buổi họp này các tỉnh phải có đánh giá tổng thể hoạt động của Uber, Grab và đề ra các giải pháp để từ đó Bộ Giao thông Vận tải có cơ sở để xem xét tạm dừng. Các địa phương được thí điểm lập quy hoạch xe trên địa bàn phải báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét để đảm bảo lượng xe hợp lý cho người dân, bởi như hiện nay theo báo cáo của các sở thì lượng xe hợp đồng quá lớn. 

Thứ trưởng cũng khẳng định, cuối năm nay Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổng kết 2 năm thí điểm hoạt động này và sẽ báo cáo Chính phủ để đưa ra lộ trình mới cho xe hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...