Bức tranh ngành đầu tư công 2024: Những “tay đua” tăng tốc, kẻ chậm chạp bị bỏ lại phía sau

Năm 2024, nhiều doanh nghiệp đầu tư công ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ dòng vốn ngân sách đổ vào hạ tầng, trong khi một số khác vẫn chật vật với biên lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ do chi phí đầu vào leo thang và tiến độ dự án chậm trễ...

Sau một năm đầy biến động, ngành đầu tư công tiếp tục chứng kiến sự phân hóa rõ rệt khi nhiều doanh nghiệp lên sàn có màn bứt phá ngoạn mục, ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đột phá. Trong khi không ít đơn vị vẫn đang loay hoay với bài toán tối ưu chi phí và hiệu quả triển khai dự án rồi bị lỗ.

NHỮNG NGÔI SAO SÁNG CỦA NGÀNH

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp đầu tư công, nhiều doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, phản ánh sự sôi động trong lĩnh vực xây dựng, hạ tầng và giao thông, đồng thời cho thấy sự chuyển dịch đáng kể trong chiến lược phát triển của ngành.

Dẫn đầu trong danh sách doanh nghiệp ghi nhận lãi "khủng" năm 2024 là Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán: VCG). Doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận lũy kế lên tới 1.002,47 tỷ đồng, tăng vọt 148,44% so với cùng kỳ năm trước, dù doanh thu chỉ nhích nhẹ 1,33%.

Không kém phần ấn tượng, Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) cũng tạo bất ngờ khi đạt lợi nhuận 849 tỷ đồng, tăng mạnh 176,43%, dù doanh thu lại giảm 15,42%. Một cái tên khác không thể bỏ qua là Công ty Cổ phần Tasco (mã chứng khoán: HUT) với mức tăng lợi nhuận lên tới 186,94%, đạt 135,42 tỷ đồng, trong khi doanh thu cũng tăng mạnh 179,08%.

Bên cạnh những doanh nghiệp có mức tăng trưởng đột phá, một số cái tên khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, dù không bùng nổ như 2 doanh nghiệp trên. Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh (mã chứng khoán: CII) đạt lợi nhuận sau thuế 639 tỷ đồng, tăng 73%, bất chấp doanh thu thuần giảm nhẹ 1,5% xuống còn 3.041 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV) cũng không nằm ngoài xu hướng này khi đạt doanh thu 3.308 tỷ đồng, tăng 23%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng gần 30%, đạt 473 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành xây dựng với doanh thu 22.905,78 tỷ đồng, tăng 38,55%, kéo theo lợi nhuận lũy kế tăng mạnh 98,41%, đạt 372,96 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận (mã chứng khoán: CTI) cũng ghi nhận doanh thu tăng 37,36%, đạt 1.118,67 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận lũy kế tăng 39,43%, đạt 106,68 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (mã chứng khoán: C4G) ghi nhận doanh thu 3.171,23 tỷ đồng, tăng 20,65%, với lợi nhuận lũy kế 179,35 tỷ đồng, tăng 37,63%.

Công ty Cổ phần Licogi 16 (mã chứng khoán: LCG) cũng cho thấy sự ổn định khi doanh thu đạt 2.513,47 tỷ đồng, tăng 25,18%, và lợi nhuận lũy kế đạt 132,15 tỷ đồng, tăng 27,54%. Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) cũng đạt doanh thu thuần 3.577 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 303 tỷ đồng, tăng 7%.

Một trong những trường hợp đáng chú ý là Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (mã chứng khoán: CTR). Dù sở hữu doanh thu khổng lồ 12.681,24 tỷ đồng, tăng 12,23% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lũy kế lại chỉ tăng khiêm tốn 5,3%, đạt 543,21 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù doanh thu cao, nhưng khả năng chuyển hóa thành lợi nhuận vẫn là bài toán không dễ giải đối với nhiều doanh nghiệp.

Chưa hết, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp báo lãi lớn thì một số đơn vị ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn dưới 100 tỷ đồng. Đầu tiên là Công ty Cổ phần FECON (mã chứng khoán: FCN) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng nhất, đạt 9,38 tỷ đồng, tăng tới 129,23% so với cùng kỳ, dù doanh thu chỉ ở mức 3.374,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Everland (mã chứng khoán: EVG) cũng có sự bứt phá khi lợi nhuận lũy kế đạt 40,74 tỷ đồng, tăng 32,47%, nhờ doanh thu đạt 1.192,24 tỷ đồng, tăng 9,4%. Tổng công ty Cổ phần G36 (mã chứng khoán: G36) ghi nhận mức lợi nhuận 26,82 tỷ đồng, tăng 54,68% so với cùng kỳ, dù doanh thu chỉ tăng nhẹ 4,15%, đạt 1.457,09 tỷ đồng.

Cuối cùng là Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế (mã chứng khoán: HUB) dù doanh thu sụt giảm 12,95%, chỉ đạt 309,12 tỷ đồng, nhưng vẫn duy trì được mức tăng lợi nhuận nhẹ 1,93%, lên 63,98 tỷ đồng.

NHỮNG CÁI TÊN "LAO DỐC"

Trái ngược với các doanh nghiệp bứt phá, nhiều ông lớn lại chật vật với đà suy giảm. Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã chứng khoán: HTN) là một trong những doanh nghiệp ghi nhận mức giảm mạnh nhất về doanh thu khi chỉ đạt 1.140,49 tỷ đồng, sụt giảm tới 57,47% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận lũy kế cũng lao dốc 69,4%, chỉ còn 18,37 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Công ty Cổ phần SCI (mã chứng khoán: S99) và Công ty Cổ phần SCI E&C (mã chứng khoán: SCI), khi cả hai doanh nghiệp này đều ghi nhận doanh thu giảm 14,01%, còn 1.395,37 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế của mỗi công ty giảm 63,56%, xuống còn 33,67 tỷ đồng.

Hay có những doanh nghiệp doanh thu lại không đồng nghĩa với lợi nhuận. Cụ thể, dù doanh thu tăng 5,52%, đạt 1.273,89 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư MST (mã chứng khoán: MST) lại chứng kiến lợi nhuận lao dốc tới 74,9%, chỉ còn 17,14 tỷ đồng.

Nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng không ngoại lệ. Công ty Cổ phần Xây dựng 47 (mã chứng khoán: C47) báo cáo doanh thu đạt 943,79 tỷ đồng, giảm 4,29%, trong khi lợi nhuận lũy kế chỉ còn 3,92 tỷ đồng, tụt dốc tới 73,41% so với năm trước. Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần Xây dựng số 9 (mã chứng khoán: VC9), khi doanh thu giảm 12,95% xuống còn 233,71 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận chỉ còn 0,79 tỷ đồng, giảm 43,47%.

ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2025: ĐÒN BẨY THEN CHỐT CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM

Năm 2025 được dự báo là một năm bùng nổ của ngành đầu tư công, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

vinaconex.jpg
Vinaconex là ngôi sao của các doanh nghiệp ngành đầu tư công năm 2024 khi ghi nhận lợi nhuận lũy kế lên tới 1.002,47 tỷ đồng, tăng vọt 148,44% so với cùng kỳ năm trước

Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC), năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đây là năm cuối cùng để hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời chuẩn bị tiền đề cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào đầu năm 2026.

Chính phủ đã đề ra kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 lên tới 790.727 tỷ đồng, tăng 18% so với mức 670.000 tỷ đồng của năm 2024, tập trung chủ yếu vào các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành và các khu công nghiệp mới.

Còn theo nhận định của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, năm 2024 lại là một năm "lặng sóng" đối với nhóm cổ phiếu đầu tư công, khi dòng tiền đổ vào ngành này không còn sôi động như trước. Nguyên nhân được cho là do những khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư phức tạp và thiếu hụt vật liệu xây dựng tại một số địa phương.

Dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng giai đoạn năm 2025 sẽ chứng kiến sự tăng tốc giải ngân để đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, năm 2025 được kỳ vọng sẽ là một năm bùng nổ của ngành này khi Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội kế hoạch vốn đầu tư phát triển tăng hơn 16% so với năm 2024.

Các dự án sử dụng vốn đầu tư công được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng mục tiêu giải ngân của Chính phủ.

Với những kế hoạch và dự án quy mô lớn, đầu tư công năm 2025 hứa hẹn không chỉ là động lực chính kích thích nền kinh tế mà còn là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, nhất là với những doanh nghiệp đầu tư công lên sàn chứng khoán.

Những nhóm cổ phiếu được khuyến nghị lưu ý như: HHV, VCG, LCG, C4G, FCN.

Đây sẽ là năm đáng chú ý, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành đầu tư công, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Xem thêm

Toàn cảnh bức tranh kinh tế đầu năm 2025 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế đầu năm 2025 qua các con số

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 48,6%; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63%; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 0,6% so với cùng kỳ… là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong tháng đầu năm 2025…

Những doanh nhân tuổi Tỵ và khát vọng "hóa rồng"

Những doanh nhân tuổi Tỵ và khát vọng "hóa rồng"

Từ sự khéo léo trong cách ứng xử đến khả năng đưa ra những chiến lược táo bạo, các doanh nhân tuổi Tỵ đã tạo nên những câu chuyện kinh doanh đầy cảm hứng, góp phần tô điểm cho bức tranh kinh tế năng động của Việt Nam...

Có thể bạn quan tâm

Cổ phiếu dệt may tiếp tục toả sáng

Cổ phiếu dệt may tiếp tục toả sáng

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày hôm nay (27/5) tiếp tục ghi nhận sắc xanh lan rộng ở nhóm cổ phiếu dệt may. Sự khởi sắc này không chỉ là sự tiếp nối của diễn biến tích cực từ phiên trước đó, mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tín hiệu đầy bất ngờ từ Tổng thống Mỹ Donald Trump...

Tôn Đông Á tái khởi động kế hoạch lên sàn HOSE, mạnh tay chia cổ tức và huy động vốn

Tôn Đông Á tái khởi động kế hoạch lên sàn HOSE, mạnh tay chia cổ tức và huy động vốn

Sau khi lỡ hẹn với sàn HOSE vì khoản lỗ bất ngờ năm 2022, Tôn Đông Á đang khởi động lại lộ trình chuyển sàn và mở rộng quy mô vốn. Không chỉ điều chỉnh kế hoạch cổ tức theo hướng “hào phóng” hơn, doanh nghiệp còn lên hàng loạt phương án tăng vốn qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu và ESOP...

HOSE liệt kê 67 cổ phiếu bị “treo” margin

HOSE liệt kê 67 cổ phiếu bị “treo” margin

Trên thị trường chứng khoán có tới 67 mã đang bị “treo” margin tính đến ngày 23/5/2025. Những lý do phổ biến trải rộng từ lỗ lũy kế, kiểm toán từ chối báo cáo tài chính, chậm công bố thông tin đến việc nằm trong diện cảnh báo, kiểm soát hay thậm chí vi phạm pháp luật...

Một công ty khai thác cảng bị xử phạt hơn 327 triệu đồng

Một công ty khai thác cảng bị xử phạt hơn 327 triệu đồng

Mặc dù đang ngập trong thua lỗ với khoản lỗ sau thuế kỷ lục lên tới 122,6 tỷ đồng chỉ trong quý 1/2025 và lỗ lũy kế vượt 150 tỷ đồng, Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An vẫn tiếp tục gây chú ý khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính tổng cộng hơn 327 triệu đồng...

Uỷ ban Chứng khoán “rút lại” hai quyết định quan trọng với APG

Uỷ ban Chứng khoán “rút lại” hai quyết định quan trọng với APG

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thu hồi hai quyết định quan trọng từng cấp phép cho Công ty Cổ phần Chứng khoán APG. Động thái này diễn ra trong bối cảnh APG liên tục biến động về cơ cấu cổ đông, chịu án phạt vi phạm hành chính và đối mặt với nhiều thách thức kinh doanh...

VPBank: Cú hích từ G-Dragon và tham vọng tỷ đô

VPBank: Cú hích từ G-Dragon và tham vọng tỷ đô

Chỉ trong chưa đầy hai tuần kể từ khi VPBank công bố mời nhóm nhạc Hàn Quốc G-Dragon và nữ ca sĩ CL, cựu trưởng nhóm 2NE1 đến Việt Nam biểu diễn, giá cổ phiếu ngân hàng này đã bật tăng mạnh, kéo vốn hóa thị trường vọt thêm hơn 7.000 tỷ đồng...

Nhìn tưởng “giàu”, hóa ra đang "nợ": Bí ẩn khoản phải thu của các đại gia bất động sản

Nhìn tưởng “giàu”, hóa ra đang "nợ": Bí ẩn khoản phải thu của các đại gia bất động sản

Trong bối cảnh ngành bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, một điểm đáng chú ý trên báo cáo tài chính quý 1/2025 của nhiều doanh nghiệp là tỷ trọng các khoản phải thu trên tổng tài sản đang ở mức rất cao, trong số đó, có các cái tên nổi bật như An Gia, Đất Xanh và Vinhomes...