Khu vực quanh vịnh Tokyo tăng diện tích lên 15%, sân bay quốc tế Kansai được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo tại vịnh Osaka (Nhật Bản), hay Songdo IBD – đô thị thông minh của Hàn Quốc… là kết quả có được nhờ quá trình lấn biển mở rộng đất đai, phát triển kinh tế của các cường quốc Đông Bắc Á.
NHẬT BẢN COI LẤN BIỂN LÀ TẤT YẾU
Theo giới phân tích, các đô thị lấn biển không ngừng phát triển bởi nhu cầu về chỗ ở của người dân đô thị ngày càng lớn, đồng thời công nghệ lấn biển ngày càng hiện đại, đảm bảo giữ ổn định môi trường sinh thái. Các khu vực đô thị lấn biển tại Nhật Bản thường thu hút lượng lớn các hộ gia đình trẻ nhờ sự tiện lợi về giao thông kết nối và tiện ích xã hội đầy đủ.
Tokyo là trung tâm tài chính, đô thị hiện đại hàng đầu thế giới, tập trung hầu hết các tập đoàn và các công ty lớn có vốn đầu tư từ 1 tỷ yên trở lên. Đây cũng là thành phố có dân cư đông đúc và chi phí sinh hoạt cao gấp 10 lần Việt Nam. Điều đáng nói, diện tích Tokyo đã được mở rộng khá nhiều từ hoạt động lấn biển, nhất là tại các khu vực vịnh hoặc bờ biển. Quá trình này được người Nhật gọi là khai hoang đất, có lịch sử lâu đời từ thời Edo.
Chỉ riêng tại khu vực vịnh Tokyo, tính tới năm 2012, khoảng 250km2 đất đã được lấn thêm, tăng khoảng 15% so với diện tích ban đầu. Các dự án mới vẫn tiếp tục triển khai để mở rộng diện tích phát triển các khu phố mới. Tiêu biểu, dự án “Tokyo Bay eSG” được Tokyo công bố vào tháng 4/2021 với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn như Mitsubishi, Sumitomo, NEC Corp... sẽ mang tới một quận đô thị mới với mô hình phát triển tích hợp giữa các khu dân cư, khu thương mại, văn hóa cũng như không gian xanh rộng lớn và cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại.
Khu lấn biển Toyosu đông đúc với nhiều tòa chung cư xây dựng trên đất lấn biển như City Towers Toyosu the Symbol, City Towers Toyosu the Twin, Toyosu Ciel Tower và Park Homes Toyosu the Residence… đang hút nhiều lớp cư dân trẻ và thành đạt nhờ kết nối thuận tiện với đô thị Tokyo, cùng tầm nhìn tuyệt vời từ vịnh ra đại dương bao la.
Một quỹ đất lấn biển khác - Odaiba là một đảo nhân tạo gần vịnh Tokyo, được tạo dựng từ những năm 1960, nay đã sầm uất với các khu dân cư, điểm đến du lịch nổi tiếng cùng tòa phức hợp đa năng Palette Town (bao gồm trung tâm mua sắm, trung tâm truyền hình Fuji, các khách sạn, văn phòng và khu vui chơi giải trí). Đây là nơi sống lý tưởng với nhiều hộ gia đình có điều kiện, đảm bảo không gian sống an toàn, yên bình với nhiều công viên và không gian mở cho các hoạt động ngoài trời, thư giãn.
Một hình mẫu lấn biển thành công, minh chứng cho kỹ thuật, công nghệ tân tiến của Nhật Bản còn phải kể đến Sân bay quốc tế Kansai nằm trên đảo nhân tạo ở vịnh Osaka.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 19 tỷ USD, việc xây dựng sân bay sử dụng tới 48 triệu m3 vật liệu san lấp. Nhà ga sân bay được xây nổi trên các ổ trục cách ly địa chấn, đồng thời được tích hợp công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm tác động tới môi trường. Đóng vai trò thúc đẩy thương mại và du lịch, giải tỏa áp lực cho Sân bay quốc tế Osaka, Sân bay quốc tế Kansai là cửa ngõ quan trọng nối Osaka với thế giới.
HÀN QUỐC VÀ NHỮNG DỰ ÁN MANG TẦM NHÌN TƯƠNG LAI
Dù không có lịch sử lấn biển lâu đời như Nhật Bản, nhưng Hàn Quốc đã triển khai nhiều dự án lấn biển thành công với quy mô lớn và tầm nhìn phát triển dài hạn.
Được xây dựng trên quỹ đất lấn biển tại TP Songdo từ 2003, Quận thương mại quốc tế Songdo (Songdo IBD) là dự án phát triển theo mô hình đô thị đa chức năng, thuộc sở hữu tư nhân với vốn đầu tư 40 tỷ USD. Songdo IBD đảm bảo quy hoạch các khu thương mại, văn phòng, cơ sở y tế, trường học đều gần nhà ở dân cư và chỉ cách bến xe bus hoặc ga tàu điện ngầm khoảng 12 phút đi bộ. Bởi vậy, Songdo IBD đại diện cho hình ảnh thành phố thông minh quốc tế xuất sắc ở Hàn Quốc và đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh doanh toàn cầu của Đông Bắc Á.
Songdo IBD dành đến 40% diện tích cho không gian xanh. Dự án có hơn 100 tòa nhà được cấp giấy chứng nhận LEED - giấy chứng nhận quốc tế cho các công trình xây dựng xanh, tái sử dụng 40% nước. Hiện, nơi đây đã hút tới 70.000 người lao động làm việc mỗi ngày.
Không dừng ở đó, chính quyền và giới tài phiệt Hàn Quốc vẫn luôn tham vọng với các siêu dự án lấn biển trong tương lai. Mới đây, Cơ quan Phát triển và Đầu tư Saemangeum (SDIA) chia sẻ sáng kiến thúc đẩy Khu phức hợp công nghiệp quốc gia Saemangeum với diện tích 409km2 (tương đương 2/3 diện tích Seoul) trở thành trung tâm kinh tế chủ đạo ở Đông Bắc Á.
Dự án được triển khai trên quỹ đất có được nhờ kè biển Saemangeum (hoàn thành năm 2010), thiết lập song song Trung tâm thực phẩm toàn cầu và Trung tâm du lịch - hội nghị đẳng cấp thế giới tại vị trí chiến lược của thị trường châu Á đang phát triển mạnh mẽ, nhằm trở thành tâm điểm hút các công ty quốc tế có vốn toàn cầu.
Theo giới chuyên gia, Dự án Saemangeum mang đến bốn điểm thu hút chính với các nhà đầu tư: đất rộng với cơ sở hạ tầng hiện đại như cảng và đường sắt; giá cả cạnh tranh; ưu đãi thuế hấp dẫn; quy trình hợp lý. Dự án cũng thỏa mãn các yếu tố về phát triển bền vững, đảm bảo sự trung hòa carbon và đạt giải thưởng “Khu phức hợp công nghiệp xanh thông minh cấp quốc gia” đầu tiên tại Hàn Quốc.
Với tầm nhìn tham vọng về một dự án mang tầm châu lục, giới chức Hàn Quốc kỳ vọng 5 năm tới, dự án Saemangeum sẽ trở thành trung tâm kết nối các ngành công nghiệp công nghệ cao của châu lục.
Có thể thấy các mô hình lấn biển thành công của Nhật Bản và Hàn Quốc đều mang tới bài học kinh nghiệm giá trị cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang đề xuất triển khai các dự án lấn biển nhằm mở rộng quỹ đất, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư…
Hành lang pháp lý hoàn thiện, đặc biệt Luật Đất đai 2024 đã quy định rõ về hoạt động lấn biển, cùng sự quyết tâm của các tỉnh thành và sự chung tay của các doanh nghiệp lớn, đã mở ra cánh cửa cho các dự án ven biển, lấn biển trong thời gian tới, tạo động lực khai thác tối ưu nguồn tài nguyên biển đưa Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố đã được triển khai. Một số địa phương như Kiên Giang đã phát triển thành công khu lấn biển ở Rạch Giá. Quy hoạch Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng phát triển 50.000ha về hướng biển, lấn biển để mở mang quỹ đất. Đà Nẵng dự kiến sẽ xây khu thương mại tự do trên diện tích lấn biển…