Các điểm nhấn kinh tế Việt Nam năm 2022

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế thế giới. Trong khi, kinh tế thế giới có nhiều biến động nhanh, khó lường làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được các tổ chức quốc tế dự báo tăng hoặc giữ nguyên so với dự báo tại thời điểm quý III/2022, nhưng thấp hơn tăng trưởng của năm 2021.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng cao, với 4 điểm nhấn nổi bật. Thứ nhất, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi tích cực ở cả ba khu vực kinh tế, với GDP năm 2022 tăng cao ở mức 8,02% so với năm trước. Đây là mức tăng cao nhất các năm trong giai đoạn 2011-2022.

kinh tế Việt Nam
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ nền kinh tế thế giới

Thứ hai, ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 ước tăng 7,8% so với năm 2021, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trên 8%, đóng góp hơn 89% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong khi đó, ngành điện đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của người dân. Ngành dầu khí thì về đích trước kế hoạch 2 tháng 18 ngày, đưa 5 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 1 công trình so với kế hoạch cả năm. Nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng.

Ngành than cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn và cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022. Công nghiệp ở các địa phương cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất với 61 địa phương trên cả nước có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với năm 2021.

Thứ ba, điểm nhấn kinh tế Việt Nam tiếp theo là xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng khá và có mức thặng dư tích cực. Tính chung năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng 10,6%, nhập khẩu tăng 8,4% và xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Thứ tư, hoạt động thương mại - dịch vụ của nước ta tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê, điểm nhấn kinh tế Việt Nam được thể hiện với những chỉ số hết sức ấn tượng, như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước. Đây là mức tăng cao trong nhiều năm trở lại đây.

Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng các năm 2018-2022 lần lượt đạt 11%; 12,5%; 0,75%; -4,8%; và 19,8%.

Mặc dù, thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động lớn của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng…) có xu hướng tăng mạnh theo giá hàng hóa thế giới, song công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu của Bộ Công Thương đã đạt kết quả tốt.

Điều này góp phần quan trọng trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Thị trường hàng hóa thiết yếu nói chung tương đối ổn định, CPI cả năm 2022 được kiểm soát ở mức khoảng 3,15%, trong khi mức Quốc hội giao là 4%.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá: Năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm