Số lượng RTA (trong đó chủ yếu là hiệp định thương mại tự do - FTA) tăng nhanh đã thúc đẩy thương mại toàn cầu, nhưng nếu không chuẩn bị tốt, lợi ích được chia sẽ không đồng đều giữa các bên tham gia dù miếng bánh có to hơn.
Hiện nay, Việt Nam hiện có tổng cộng 16 FTA (gồm cả đang thương lượng). Có lẽ mong muốn lớn nhất của Việt Nam ở các FTA là tăng khả năng xuất khẩu các nhóm hàng có thế mạnh vào các thị trường mục tiêu. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới, như đã đề cập ở trên, không chỉ là thuế đối với hàng hóa, mà còn bao gồm cả việc cung cấp các dịch vụ và một số ngành nghề. Điển hình như Khung thỏa thuận về dịch vụ của ASEAN (AFAS), các thỏa thuận ghi nhận tương đồng (MRA) sẽ mở cửa hoàn toàn nhiều dịch vụ cơ bản quan trọng, cũng như các ngành thực phẩm, linh kiện ô tô, vật liệu xây dựng.
Nguy cơ khi đó đối với các doanh nghiệp nội địa là rất lớn, chỉ có những doanh nghiệp nào có đủ sức mạnh nội tại mới tồn tại được, nếu không sẽ bị cuốn theo làn sóng sáp nhập hợp nhất. Quan trọng hơn nữa, khi thị trường nội địa bị thâu tóm bởi các doanh nghiệp nước ngoài, khả năng sụt giảm nguồn thu thuế sẽ tăng cao, khó có thể điều tiết được thị trường trong trường hợp cần thiết.
Như vậy, việc gia tăng các FTA là tốt cho hoạt động xuất khẩu, nhưng nếu không tính toán kỹ lưỡng, lợi ích ròng từ các FTA sẽ không được như mong đợi, có khi còn bị “việt vị” vì mải tấn công mà quên phòng thủ ở sân nhà. Muốn vậy, các doanh nghiệp trong nước cũng như Chính phủ cần có những chuẩn bị từ xa, để nâng cao năng lực cạnh tranh, từ nhân sự (chuyên môn, ngoại ngữ), đến sản phẩm, dịch vụ cốt lõi của doanh nghiệp.
Ông Võ Đình Trí/Đại học Kinh tế TPHCM, AVSE Global