Cách Trung Quốc trở thành thị trường xe điện dẫn đầu

Xe điện đang trở thành ngành chủ lực được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ phát triển mạnh mẽ.

Trong cuộc đua giảm khí thải carbon, nhiều quốc gia từ Mỹ tới New Zealand đều đang đưa ra vô số những hỗ trợ để thúc đẩy doanh số bán xe điện. Tuy nhiên, ít người biết rằng Trung Quốc đã thực hiện chiến lược này từ nhiều năm và kết quả là họ đã trở thành thị trường xe điện lớn nhất hành tinh.

Thành công của Bắc Kinh là rất đáng kinh ngạc. Xe điện (EV) chiếm 1/4 tổng lượng xe ô tô chở khách được bán ra tại Trung Quốc vào ngăm ngoái, vượt xa mức gần 1 trong 7 xe ở Mỹ và 1 trong 8 xe ở châu Âu. Và khoảng cách này đang ngày một nới rộng. HSBC dự kiến tỷ lệ xe điện trong nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể đạt 90% vào năm 2030.

Nếu tính cả xe hybrid, doanh số bán xe năng lượng sạch của Trung Quốc đạt 5,67 triệu chiếc vào năm 2022, chiếm hơn 1 nửa lượng xe giao trên toàn cầu. Đất nước này sẽ chiếm 60% trong doanh số xe điện chở khách đạt 14,1 triệu chiếc trong năm nay.

Không chỉ về mặt tiêu thụ, hoạt động sản xuất xe điện cũng bùng nổ. Cũng theo nghiên cứu của HSBC, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 1 nửa lượng xe điện bán ra trên toàn cầu.

Cơ sở hạ tầng đầy đủ hiển nhiên giúp việc xe điện trở nên phổ biến. Trung Quốc – nơi có mạng lưới sạc lớn nhất thế giới đã bổ sung thêm 649.000 trạm sạc công cộng riêng trong năm 2022 – tức là hơn 70% tất cả lượng trạm sạc hoàn thành trên toàn cầu trong năm nay.

Được khuyến khích bởi tất cả những tiến bộ đạt được, các nhà sản xuất xe điện đã mọc lên như nấm ở Trung Quốc với những mẫu xe mới và cuộc chiến giá khốc liệt diễn ra trong năm nay do mọi công ty đều nỗ lực vượt lên trên đối thủ.

Dưới đây là một số chính sách thúc đẩy thị trường xe điện của Trung Quốc

Trợ cấp cho người tiêu dùng: Một chương trình đã được chính quyền Bắc Kinh thực hiện trong 1 thập kỷ vừa qua đó là hoàn trả cho người mua xe điện số tiền lên tới 60.000 NDT (8.375 USD). Mặc dù các khoản trợ cấp quốc gia đã kết thúc vào năm 2022, nhưng chính quyền địa phương ở những nơi như Thượng Hải vẫn tiếp tục thực hiện các khoản trợ cấp mua xe điện lên tới 10.000 NDT.

Giảm thuế: Khoản thuế tiêu chuẩn 10% đã được miễn cho các giao dịch mua ô tô năng lượng sạch giá dưới 300.000 NDT cho đến năm 2025 và sẽ trở lại mức 5% cho năm 2026 và 2027. Khoản giảm thuế được áp dụng từ năm 2014 ước tính lên tới 835 tỷ NDT vào cuối năm 2027. Tại Mỹ, Đạo luật Giảm lạm phát, được thông qua vào năm ngoái, bao gồm 270 tỷ USD ưu đãi thuế cho việc mua xe điện và sản xuất sản phẩm sạch cũng như khoản vay gần 12 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch.

Xe điện rất thịnh hành tại Trung Quốc

Trợ cấp cho nhà sản xuất: Hỗ trợ trực tiếp của chính phủ cho các nhà sản xuất xe điện đã giúp nhiều đơn vị tham gia vào cuộc chơi và bắt đầu hoạt động. Trong khi có quá nhiều công ty nổi lên, với hơn 500 thương hiệu EV tràn ngập thị trường vào năm 2019, nỗ lực này đã nuôi dưỡng những thành công như BYD. Công ty có trụ sở tại Thâm Quyến đã trở thành thương hiệu xe điện bán chạy nhất ở Trung Quốc, chấm dứt triều đại kéo dài hàng thập kỷ của Volkswagen AG.

Cơ sở hạ tầng: Các trạm sạc được chính phủ trợ cấp, có thể truy cập rộng rãi giúp giảm chi phí cho người lái xe và giảm bớt mọi lo lắng về phạm vi mà xe có thể chạy. Các tiêu chuẩn sạc là thống nhất, nhờ thỏa thuận với các nhà sản xuất, vì vậy mọi người đều sử dụng cùng một phích cắm. Trung Quốc có 6,36 triệu bộ sạc EV vào cuối tháng 5, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Một phần đáng kể là nhờ lưới điện nhà nước, nhà cung cấp lớn thứ tư sau các công ty tư nhân như Wanbang New Energy Investment Group Co. và TOGood New Energy Co.

Tạo ra rào cản với xe chạy xăng: Việc mua và sở hữu ô tô chạy bằng xăng ngày càng ít hấp dẫn hơn. Các thành phố đang chống tắc nghẽn bằng cách hạn chế số lượng ô tô lưu thông trên đường bằng các biện pháp như quay xổ số để lấy biển số xe mới ở Bắc Kinh và một hệ thống đấu giá ở Thượng Hải. Các biển số này đã được bán với giá trung bình 92.780 NDT tại các cuộc đấu giá ở Thượng Hải trong 5 tháng đầu năm ngoái. Trong khi đó, người lái xe EV có thể dễ dàng nhận được biển số xanh, thể hiện thông tin xe thân thiện với môi trường của họ. Chính bởi vậy, những chiếc xe biển xanh ngày càng nổi bật trên đường phố.

Phạt sản xuất sản phẩm năng lượng “không sạch”: Trung Quốc đã giới thiệu hệ thống tín dụng kép cho ngành công nghiệp ô tô vào năm 2017, trong đó thưởng điểm cho những người tạo ra ô tô sạch và phạt những người tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Ô tô của các nhà sản xuất có điểm số âm có thể bị loại khỏi thị trường. Để tránh bị trừng phạt, các nhà sản xuất có thể mua tín chỉ carbon từ các đối thủ có điểm tích cực, như Tesla hoặc BYD. Việc này trở nên khá đắt đỏ. Công ty ô tô Trùng Khánh Trường An thuộc sở hữu nhà nước đã mất 4.000 NDT lợi nhuận cho mỗi chiếc ô tô bán ra vào năm 2020 khi họ mua các khoản tín chỉ carbon để tránh bị phạt.

Có thể bạn quan tâm