Doanh nghiệp hàng không báo lãi lớn trong quý 3/2024

Thị trường vận tải hàng không Việt Nam đón nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hai hãng bay báo lãi lớn sau 9 tháng, còn “ông trùm” cảng hàng không ACV đang băng băng về đích...

dang-ganh-10650-ty-dong-trai-phieu-vietjet-air-tiep-tuc-phat-hanh-2_6476c12aab8fb_647701129c42b.jpg

Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón hơn 14,1 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng mạnh mẽ 41% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, du lịch nội địa cũng ghi nhận con số ấn tượng với 100,5 triệu lượt khách.

Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, kết hợp với sự hồi sinh của thị trường hàng không, đã tạo động lực cho nhiều hãng hàng không và các đơn vị cung cấp dịch vụ, hạ tầng du lịch đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý 3 năm nay.

VIETNAM AIRLINES VÀ VIETJET BÁO LÃI LỚN

Vietnam Airlines (mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với những con số ấn tượng. Doanh thu đạt 26.600 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, hãng lãi gộp 2.744 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với quý 3/2023, với biên lãi gộp đạt 10,3%. Đây cũng là mức lãi gộp cao nhất mà Vietnam Airlines có được kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Về doanh thu hoạt động tài chính, Vietnam Airlines ghi nhận 563 tỷ đồng, tăng mạnh 3,2 lần so với năm trước, chủ yếu nhờ vào lợi thế tỷ giá. Cụ thể, công ty thu về gần 400 tỷ đồng lãi từ biến động tỷ giá. Các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều giảm, góp phần cải thiện kết quả tài chính của hãng.

anh-chup-man-hinh-2024-11-20-luc-161943.png

Kết quả là, Vietnam Airlines đạt lãi trước thuế 975 tỷ đồng trong quý 3/2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 768 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp hãng bay này có lãi.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Vietnam Airlines đạt doanh thu 79.161 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng trong 9 tháng qua là gần 6.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái công ty lỗ hơn 3.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại thời điểm 30/9/2024, Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 35.225 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 11.000 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của công ty hiện ở mức hơn 22.000 tỷ đồng. Tổng tài sản và tổng nguồn vốn của Vietnam Airlines đạt 57.351 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm hơn một nửa, đạt 30.780 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vietjet Air (mã chứng khoán: VJC) - hãng hàng không chiếm lĩnh thị phần lớn nhất tại Việt Nam, tiếp tục ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh vượt trội. Trong quý 3/2024, doanh thu của Vietjet đạt 18.164 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế tăng vọt lên 570 tỷ đồng – tăng trưởng lần lượt 28% và 660% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, hãng ghi nhận doanh thu 52.194 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.405 tỷ đồng.

anh-chup-man-hinh-2024-11-20-luc-162547.png

Trong khoảng thời gian này, Vietjet đã phục vụ hơn 19,6 triệu hành khách trên 104 nghìn chuyến bay, tăng 6% về số hành khách và 2% về số chuyến so với năm 2023. Hơn 2,54 triệu trong số đó là hành khách quốc tế, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Đội bay 85 tàu của Vietjet hiện đạt hệ số sử dụng ghế trung bình 87% cùng với độ tin cậy kỹ thuật cao, lên tới 99,7%.

NHÓM DOANH NGHIỆP PHỤ TRỢ “HÁI RA TIỀN”

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024, với doanh thu đạt 5.655 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 3.631 tỷ đồng, tăng 9,2%, đưa biên lợi nhuận gộp lên mức 64,2%.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế giảm 15,7% xuống còn 2.878 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng giảm 18,3%, chỉ còn 1.977 tỷ đồng. Như vậy, ACV đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận kéo dài suốt 7 quý trước đó.

Trong quý, doanh thu tài chính của ACV giảm mạnh 70% xuống còn 294 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng vọt từ 20 tỷ lên 809 tỷ đồng, do lỗ tỷ giá gần 800 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu 16.833 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 7.469 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12,3% và 24,3% so với năm trước.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của ACV đạt 73.258 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, công ty đang sở hữu hơn 27.241 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm 37% tổng tài sản. Tài sản dài hạn dở dang đạt 14.880 tỷ đồng, phần lớn được đầu tư vào các dự án sân bay, bao gồm 9.500 tỷ đồng cho giai đoạn 1 sân bay Long Thành và 3.700 tỷ đồng cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn của ACV đang ở mức 13.782 tỷ đồng, trong đó có 8.846 tỷ đồng là nợ xấu từ các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietjet và Vietnam Airlines.

anh-chup-man-hinh-2024-11-20-luc-162849.png

Theo báo cáo tài chính quý 3 của Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCS), doanh thu thuần của công ty đạt 266 tỷ đồng, tăng mạnh 55% so với cùng kỳ năm trước, với biên lãi gộp đạt mức 80%, nhỉnh hơn so với quý 3/2023.

Sau khi trừ các chi phí, lãi sau thuế của SCS đạt 186 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SCS ghi nhận doanh thu thuần 743 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng, tương ứng tăng 47% và 41% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của SCS đạt 1.751 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Công ty có tới 1.135 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn, chiếm 65% tổng tài sản. Đáng chú ý, SCS không có nợ vay tính đến cuối quý 3 và vốn chủ sở hữu đạt 1.539 tỷ đồng, trong đó bao gồm 504 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong kỳ kinh doanh vừa qua, loạt doanh nghiệp phụ trợ cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng như Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (mã chứng khoán: NCT), Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (mã chứng khoán: AST)…

HÀNG KHÔNG NỖ LỰC BỔ SUNG MÁY BAY

Vietnam Airlines vừa công bố kế hoạch tăng cường các chuyến bay phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán 2025. Để đáp ứng, hãng dự kiến thuê thêm 4 tàu bay Airbus A320/A321, bao gồm 2 tàu thuê ướt (cả máy bay lẫn tổ bay).

Mỗi tàu bay sẽ được sử dụng để khai thác khoảng 180 chuyến trong giai đoạn cao điểm Tết, mang lại 64.800 chỗ nếu thuê 2 tàu và tăng lên 129.600 chỗ nếu thuê đủ 4 tàu. Vietnam Airlines đang tích cực tìm kiếm sự hợp tác từ các đối tác cung cấp dịch vụ để nhanh chóng triển khai kế hoạch này.

Bên cạnh việc thuê thêm máy bay, hãng hàng không cũng vừa gửi đề xuất tới các nhà sản xuất nhằm mua 50 máy bay thân hẹp mới trong năm tới. Dù năm ngoái đã ký thỏa thuận sơ bộ với Boeing để mua 50 chiếc 737 MAX, thương vụ này hiện vẫn chưa hoàn tất, theo nguồn tin từ Reuters.

"Tại Việt Nam, chúng tôi phải trải qua quá trình đấu thầu cho tất cả các hãng. Vì vậy, cánh cửa vẫn đang rộng mở cho các nhà sản xuất máy bay" , ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Việt Nam Airlines chia sẻ. Đồng thời, ông Hà cũng cho biết Boeing đã gửi một lời đề nghị tốt cho công ty.

Với chiến lược mở rộng đội tàu bay, Vietjet đã ký hợp đồng mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo từ Airbus vào tháng 7, với tổng giá trị ước tính lên đến 7,4 tỷ USD.

Đến tháng 10, hãng hàng không này thông báo đã tiếp nhận 3 tàu bay mới và dự kiến tiếp tục đưa vào khai thác thêm nhiều tàu bay hiện đại, thân thiện với môi trường trong quý 4 năm nay.

Tại Hội nghị sơ kết công tác vận tải hàng không 6 tháng đầu năm, Cục Hàng không Việt Nam dự báo tổng thị trường vận tải hàng không năm 2024 sẽ đạt khoảng 78,3 triệu hành khách và 1,21 triệu tấn hàng hóa, tăng lần lượt 7,7% về số lượng hành khách và 13,4% về lượng hàng hóa so với năm 2023, tương đương với các mức sản lượng năm 2019.

Xem thêm

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...