TP. Hà Nội vừa đưa ra đề xuất ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội) do Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thực hiện gồm 2 phương án.
Theo phương án 1củaVinaconex, khu tập thể Thanh Xuân Nam sẽ xây mới 6 tòa chung cư cao 25 tầng, trong đó, 12 tầng của mỗi chung cư sẽ dành cho tái định cư.
Ưu điểm của phương án này là tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch phân khu và đảm bảo cảnh quan hài hòa về tầng cao. Tuy nhiên, phương án này không đủ diện tích cho phần kinh doanh các căn hộ mới, cũng như không đủ chi phí để đầu tư hoàn vốn.
Phương án 2, khu tập thể Thanh Xuân Nam vẫn được xây mới 6 tòa chung cư nhưng chiều cao các tòa này là từ 35 - 50 tầng. Tuy nhiên, việc tăng chiều cao các khu chung cư này lại không tuân thủ quy hoạch phân khu.
Vơi phương án này, diện tích sàn và dân số sẽ tăng lên khoảng 1,8 lần so với phương án 1. Bên cạnh đó, ưu điểm của phương án là đủ diện tích cho phần kinh doanh các căn hộ mới mà vẫn đảm bảo cảnh quan hài hòa về tầng cao và chủ đầu tư có hiệu quả dự án.
Theo phương án 2, chủ đầu tư sẽ thực hiện tái định cư và kinh doanh các căn hộ mới theo từng giai đoạn theo tỷ lệ 35 - 40% dành cho tái định cư, 60 - 75% dành cho việc kinh doanh. Cụ thể, 12 tầng của các tòa CT1, CT4 sẽ danh cho tái định cư, 13 tầng của 2 tòa CT2, CT3 dành cho tái định cư và 9 tầng của 2 tòa CT5, CT6 dành cho tái định cư.
Được biết, khu tập thể Thanh Xuân Nam có tất cả 8 khu nhà tập thể cũ gồm: H3, H4, H8, H9, G4, 5, G6, G7 với số tầng cao trung bình từ 3 - 5 tầng. Tổng diện tích sàn xây dựng của khu tập thể Thanh Xuân Nam là 68.538,92m2.
Cuối năm 2016, TP. Hà Nội đã giao cho 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2 - 6 tầng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc cải tạo, nâng cấp các khu chung cư cũ tại TP. Hà Nội đã được đặt ra từ lâu với sự tham gia của các chủ đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua, quá trình này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thỏa thuận đền bù, tái định cư giữa chủ dự án và người dân đang sinh sống tại các khu tập thể.
Khi giao các doanh nghiệp thực hiện nội dung nêu trên, UBND TP. Hà Nội từng nêu rõ nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch chi tiết do các đơn vị này tự chủ động. Sau khi đồ án tổng thể quy hoạch chi tiết được phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia sẽ thực hiện theo quy định. Đến giai đoạn này, thành phố sẽ xem xét, đảm bảo nguồn lợi mà các nhà đầu tư đã thực hiện.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hơn 2.500 chung cư cũ, với khoảng hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng trước năm 1994. Khoảng 25% số nhà chung cư này thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm, nhưng 10 năm qua, tỷ lệ nhà chung cư đã được cải tạo, sửa chữa mới chưa đầy 3%.