Cần liên kết cấp vùng đảm bảo chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu

Ngày 29.7, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành văn bản 4093, quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp thuộc tỉnh từ ngày 5.8 “cho đến khi có thông báo mới”.
Cần liên kết cấp vùng đảm bảo chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu

Quyết định (tưởng như hợp lý) của Tiền Giang, đã đặt thêm nguy cơ đối với chuỗi cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu một loạt tỉnh thành phía Nam.

Dừng một tỉnh, mấy tỉnh… chịu?

Nói nguy cơ bởi lẽ, với lợi thế nông nghiệp, Tiền Giang là vựa cung cấp nông sản, chế biến nông sản thành phẩm, nông sản nguyên liệu cho các doanh nghiệp tại các tỉnh khác. Trong đó, có phần rất lớn tới các tỉnh khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...

Được biết, hiện Tiền Giang có 9 khu, cụm công nghiệp, với hơn 130 doanh nghiệp đăng ký sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề như sản xuất đồ uống, chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi,…

Việc các nhà máy cung cấp nguyên liệu tại Tiền Giang dừng hoạt động “cho đến khi có thông báo mới” lập tức tạo hiệu ứng dây chuyền, khiến các nhà máy tại các tỉnh khác sử dụng nguyên liệu từ Tiền Giang có nguy cơ dừng hoạt động. 

Trước đó, Tiền Giang phát hiện 260 công nhân dương tính với Covid-19 tại các nhà máy thực hiện phương án "3 tại chỗ" trong Khu công nghiệp Long Giang (Tân Phước) và Khu công nghiệp Mỹ Tho. Do vậy, có thể hiểu việc UBND tỉnh này yêu cầu tất cả các nhà máy trong khu công nghiệp phải dừng hoạt động kể từ ngày 5/8 là để tránh trường hợp dịch bệnh lây lan.

Cần nói rõ, Tiền Giang không là tỉnh đầu tiên buộc đóng cửa toàn bộ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn để chống dịch Covid-19. Trước đó đã có Bắc Giang, Bắc Ninh tại phía Bắc, các tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương... tại phía Nam cũng đã buộc nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động do không đảm bảo phương án “3 tại chỗ”, hoặc phát hiện ca nhiễm.

Tuy nhiên, Tiền Giang là địa phương “mạnh tay” nhất phía Nam trong kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh, khi buộc toàn bộ các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phải dừng sản xuất, kể cả các doanh nghiệp đang thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Hiện, chưa rõ kế hoạch tiêm vắc xin của tỉnh Tiền Giang và các doanh nghiệp thuộc tỉnh sẽ thực hiện như thế nào. Trả lời phỏng vấn (qua điện thoại), đại diện một doanh nghiệp tại Tiền Giang cho biết: “Khi 100% công nhân được tiêm vắc xin sẽ yên tâm sản xuất”.

Còn một lãnh đạo khác trong ngành may mặc thuộc tỉnh thì căng thẳng: “Thứ chúng tôi cần nhất bây giờ là vắc xin, vắc xin và vắc xin”. Trong khi một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, việc nhà máy dừng hoạt động sẽ kéo theo ít nhất 3 nhà máy tại tỉnh khác dừng hoạt động.

“Chúng tôi cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các doanh nghiệp trong chuỗi. Dừng hoạt động khiến 3 nhà máy ở tỉnh khác với khoảng vài trăm nghìn lợn nuôi và vài triệu gia cầm cấp thịt, cấp trứng hiện chưa có giải pháp bổ sung nguồn thức ăn cho vật nuôi” – vị này lo lắng.

Quản sao cho đúng?

Trong gia đoạn dịch bệnh, việc đảm bảo sản xuất nói chung, sản xuất hàng nhu yếu phẩm thiết yếu nói riêng là đặc biệt quan trọng. Ổn định nguồn cung nhu yếu phẩm thiết yếu, cùng với giãn cách, tiêm vắc xin là các trụ cột quan trọng trong đảm bảo chống rối loạn xã hội do nguyên nhân từ dịch bệnh.

Nhìn từ giác độ này sẽ thấy, việc buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy sản xuất, đặc biệt nhà máy trong chuỗi sản xuất nhu yếu phẩm là khá rủi ro.

Cần nhấn mạnh, ngay thời điểm hiện tại, các biện pháp kiểm soát chặt việc vận tải đã khiến nguồn cung nhu yếu phẩm tiếp tục suy giảm, do thời gian bị kéo dài, rủi ro hơn. Giá một loạt mặt hàng như trứng, thịt, rau xanh… tại một số địa phương, siêu thị bị đẩy lên cao.

Vì vậy, ngày 25.7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành văn bản số 1015/TTg-CN, chỉ đạo các bộ, UBND các địa phương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Tới ngày 27.7, Bộ Công thương có công văn 4481, đề nghị các Sở Công thương tham mưu cho UBND cấp tỉnh cho phép lưu thông trong thời gian giãn cách đối với một số mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (như sắt thép, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu…) và các mặt hàng phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương…

Xa hơn, đầu tháng 4.2021, Văn phòng Chính phủ có công văn 2601 gửi các bộ và UBND các tỉnh. Nội dung chỉ đạo về việc thực hiện Chỉ thị số 16 của thủ tướng về phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng cho biết một số nội dung của chỉ thị 16 còn “chưa được hiểu và thực hiện thống nhất”.

Do vậy, Thủ tướng yêu cầu các Bộ và các địa phương cho phép các “nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu… được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở trên chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch…”.

Cũng chỉ đạo này của Thủ tướng cho phép “Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động”.

Nhấn mạnh rằng, cần phải ủng hộ các nỗ lực ngăn chặn, dập dịch của Tiền Giang nói riêng, chính quyền các địa phương nói chung. Nhưng, việc Tiền Giang mạnh tay dừng hoạt động toàn bộ các khu cụm công nghiệp đã đặt ra vấn đề: dường như các tỉnh phía Nam đang cần có một chiến lược phối hợp, liên kết cấp vùng, để vừa đảm bảo chống dịch, và vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là đảm bảo sản xuất và lưu thông các hàng hóa thiết yếu.

Thông tin cần ghi nhận, tại các địa phương, chính quyền và các cơ quan chức năng đều có văn bản yêu cầu các nhà cung cấp thực phẩm, siêu thị bán lẻ phải tăng lượng hàng hóa tích trữ, đủ cung cấp cho người dân trong thời gian chống dịch.

Việc đảm bảo đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu cũng là chiến lược, và là yêu cầu của Chính phủ đặt ra tại tất cả các văn bản liên quan tới chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng trên lại không đề cập đến việc, hay có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo sản xuất đủ nguồn hàng, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu cung cấp theo nhu cầu gia tăng trong thời gian chống dịch.

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã nhiều tháng, hiện các nỗ lực của doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu đã phải đẩy tới ngưỡng tối đa, trong khi tình hình đang ngày càng phức tạp tại các tỉnh phía Nam.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần có một chiến lược liên kết thống nhất giữa các tỉnh trong khu vực này để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo được yêu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu, tránh được trường hợp vì quyết định của một địa phương mà đặt cả chuỗi cung ứng cấp vùng vào tình thế căng thẳng, đổ vỡ.

Đó là vấn đề đặt ra, từ quyết định dừng hoạt động của doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Tiền Giang.

Chuỗi cung ứng hàng thiết yếu đối diện nguy cơ đổ vỡ

Trả lời qua điện thoại, đại diện một doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu và kinh doanh siêu thị khu vực phía Nam (yêu cầu không nêu tên) cho biết, khả năng cung ứng của doanh nghiệp này đã suy giảm nghiêm trọng, cả ở mảng sản xuất và kinh doanh.

Trong đó, do sợ nhiễm bệnh, lao động của doanh nghiệp này bỏ việc hàng loạt, quy mô công nhân chỉ còn khoảng 40%, rất khó khăn để hoạt động.

“Duy trì sản xuất hiện vô cùng căng thẳng do dây chuyền bị thiếu nhân công ở nhiều công đoạn” – đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Dù đã xây dựng kịch bản cung ứng và tích trữ hàng từ 6 tháng trước, nhưng do các khó khăn về vận tải và kho bãi, cộng với khó khăn sản xuất, hệ thống siêu thị của doanh nghiệp này hiện đã thiếu hàng.

“Chúng tôi đã đề nghị được ưu tiên tiêm vắc xin cho nhân lực hiện tại và nhân lực tuyển bù để có thể đảm bảo sản xuất hàng hóa thiết yếu, nhưng hiện vẫn chưa được chấp thuận. Thực sự, chúng tôi không còn phương án khác để duy trì sản xuất khi các tỉnh buộc dừng sản xuất, chỗ còn sản xuất được thì không có nhân công” – doanh nghiệp này cho biết.

Xem thêm

Tránh 'đứt gãy' vận chuyển hàng hóa mùa dịch

Tránh 'đứt gãy' vận chuyển hàng hóa mùa dịch

Liên quan đến việc lưu thông hàng hoá, tránh bị đứt gãy khi vận chuyển hàng hoá mùa dịch, Bộ Giao thông vận tải đã có cuộc họp với các Bộ: Công an, Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để rà soát và tháo gỡ cơ chế chính sách.

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…