Cần nâng cấp thành luật các quy định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, việc tiếp tục ban hành quy định về thanh toán không dùng tiền mặt dưới hình thức Nghị định là không hợp lý, chỉ nên coi là giải pháp tạm thời.
Cần nâng cấp thành luật các quy định liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt gồm cả việc hạn chế sử dụng ngoại hối, tức là hạn chế quyền của công dân thì phải được quy định cụ thể trong luật. Đáng chú ý, việc sử dụng ngoại hối là vấn đề liên quan trực tiếp đến nước ngoài nên quy định bằng văn bản dưới luật là không bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết.

Ngoài ra, nếu giao dịch dân sự vi phạm các điều cấm trong pháp lệnh và Nghị định thì sẽ không bị vô hiệu như trước đây. Hiện nay giao dịch dân sự chỉ vi phạm điều cấm của luật thì mới bị vô hiệu theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 117 Bộ Luật Dân sự 2015 về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”.

Cũng theo ông Đức, trong trường hợp xây dựng Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt như một giải pháp tạm thời thì cần xem xét gộp nghị định này với Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt vì 2 nghị định này giống nhau về đối tượng áp dụng, gồm 3 nhóm chính là Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán.

Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP), ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là một xu hướng ngày càng phát triển. Chính phủ, NHNN thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để đưa chủ trương, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt đi vào cuộc sống một cách thành công. 

Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ là văn bản quan trọng, ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, các doanh nghiệp thụ hưởng dịch vụ và đông đảo người dân, do đó được sự quan tâm chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.

Đại diện cơ quan dự thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho hay, Nghị định 101/2012/NĐ-CP đã qua 6 năm triển khai, với những nội dung quan trọng ảnh hưởng sâu rộng, là nền tảng pháp lý cho các hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán, tạo điều kiện cho các loại hình mới như thanh toán điện tử, thanh toán di động.

Do sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, yêu cầu hội nhập, một số quy định của Nghị định cần được sửa đổi, bổ sung. Quan điểm xây dựng Nghị định thể hiện nhất quán là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế tối đa các hoạt động sử dụng tiền mặt để giảm chi phí, tạo sự minh bạch trong nền kinh tế, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế các rủi ro trong giao dịch, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực thanh toán.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...