Cẩn trọng vay tiền qua ứng dụng

Hiện nay, nhiều mô hình cho vay online đang hoạt động rầm rộ, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các dịch vụ vay tiền mặt qua ứng dụng trực tuyến trên điện thoại hoặc website. Tuy nhiên, các mô hình này chưa được pháp luật quy định rõ ràng.
Cẩn trọng vay tiền qua ứng dụng

Chỉ cần đánh từ khóa “vay tiền qua App” trên google hay các trang mạng xã hội có thể thấy hàng trăm trang cho vay qua ứng dụng này đã hiện lên với các tên như: Vay tiền qua app, App vay tiền online mới uy tín, Hỗ trợ vay tiền qua app, Vay tiền qua app – chỉ cần CMND… với mức lãi suất được quảng cáo là không vượt quá quy định của pháp luật là 20%, hình thức cho vay dễ dàng không cần thế chấp, thẩm định hay thậm chí gặp mặt.

Cái bẫy nguy hiểm

Nếu muốn vay tiền mặt trực tuyến người dùng cần tải các ứng dụng về điện thoại, sau đó điền đầy đủ thông tin cá nhân với đầy đủ hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng và bắt buộc phải chọn mục “đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử.

Trong hợp đồng có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”. Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên App.

Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng đã kê khai trước đó. Với hình thức cho vay nêu trên, các đối tượng đã cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm.

Thực tế, nhiều người khi lâm vào hoàn cảnh túng bấn, gặp được một app nhiệt tình chào mời vay tiền thì “như vớ được vàng”, đã lập tức vay “nóng” mà không nghĩ đến khoản tiền lãi "cắt cổ" và cũng không tính toán được khả năng chi trả món nợ của mình hay những hệ lụy mà nó để lại.

Theo anh Nguyễn Việt Anh (Cầu Giấy, Hà Nội), hồi đầu tháng 4, do có việc đột suất cần một số tiền 5 triệu đồng để giải quyết công việc, do đang trong thời gian giãn cách xã hội nên khó vay mượn người thân, anh đã “liều” vay tiền qua app với thủ tục rất nhanh gọn, thời gian vay trong vòng  1 tháng.

Tuy nhiên, đến hạn, chưa thể trả, anh này  đã bị tính lãi phạt tới 30% của số tiền vay thực. Không chỉ vậy, anh Việt Anh và người thân liên tục nhận được những cuộc gọi “khủng bố” yêu cầu đòi nợ, thậm chí bạn bè cũng bị đòi nợ theo.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật Sblaw,  nguyên nhân của tình trạng này là do quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở nên các đối tượng cho vay nặng lãi dễ dàng lách luật. Chẳng hạn, quy định lãi suất cho vay không quá 20%/năm nhưng các đối tượng này lách bằng cách hợp đồng ghi lãi suất 20%/năm nhưng phí hơn 100%.

Cùng với đó, nhiều app cho vay trực tuyến đang hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending).  Toàn bộ hoạt động vay, trả nợ giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng điện tử, số hóa.

Thế nhưng, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại chưa có quy định cụ thể về hoạt động của P2P Lending, lợi dụng điều này, nhiều App cho vay đã có nhiều chiêu trò để cho vay với lãi suất cắt cổ.

Bộ Công an cảnh báo

Mới đây, Bộ Công an đã  đưa ra cảnh báo với người dân về các app vay tiền có khả năng "biến tướng" thành tín dụng đen, gây bất an cho xã hội. Theo đó, khi vay tiền qua app để đảm bảo quyền lợi cũng như hạn chế những rắc rối có thể xảy ra, người vay tiền cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín.

Nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, "khủng bố" người vay thì có thể bị xử lý. 

Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. 

Tại Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.

Về nội dung câu hỏi liên quan đến người vay có phải trả tiền đã vay qua app không, trả như thế nào, lãi suất ra sao? Số tiền vay là vật chứng của vụ án, người vay phải trả lại số tiền đã vay của app vào tài khoản cho vay với lãi suất không vượt quá 20% lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước. Quá trình giải quyết vụ án, căn cứ trên kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Tòa án sẽ xét xử theo luật định.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...