Canada điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với dây thép Việt Nam

Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada sẽ ban hành bản tuyên bố lý do khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá đối với mặt hàng dây thép từ Việt Nam vào ngày 22/3…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Canada điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với dây thép Việt Nam
Canada điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với dây thép Việt Nam

Mới đây, Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada (CBSA) đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá (CBPG) đối với mặt hàng dây thép có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, sản phẩm bị điều tra là dây thép có mã HS 7213.91.00.42, 7213.91.00.43, 7213.91.00.49, 7213.91.00.50, 7213.91.00.60, 7213.91.00.70, 7213.99.00.11, 7213.99.00.12, 7213.99.00.31, 7213.99.00.32, 7213.99.00.51, 7213.99.00.52, 7227.20.00.20, 7227.20.00.90, 7227.90.00.60, 7227.90.00.70, 7227.90.00.81, 7227.90.00.82, 7227.90.00.83.

Nguyên đơn khởi kiện là Ivaco Rolling Mills 2004 LP. Cơ quan Dịch vụ biên giới Canada sẽ ban hành kết luận sơ bộ trong vòng 90 ngày kể từ ngày khởi xướng.

Như vậy, lịch điều tra của cơ quan này là ngày 8/3, khởi xướng điều tra. Ngày 22/3, ban hành bản tuyên bố lý do khởi xướng điều tra. Ngày 2/4 là thời hạn nhà nhập khẩu phải nộp bản trả lời câu hỏi cho CBSA. Ngày 15/4, thời hạn nhà xuất khẩu phải nộp bản trả lời câu hỏi cho CBSA.

Bên cạnh đó, Tòa án Thương mại quốc tế Canada (CITT) sẽ tiến hành xác định thiệt hại của việc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra đối với ngành sản xuất nội địa của Canada. Đồng thời, đưa ra kết luận trong vòng 60 ngày kể từ ngày khởi xướng. Trong trường hợp CITT kết luận không có thiệt hại, vụ việc sẽ được chấm dứt.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp đăng ký làm bên liên quan để nhận được bản câu hỏi điều tra và các thông tin từ cơ quan điều tra Canada. Ngoài ra, đọc kỹ hướng dẫn, trả lời đầy đủ và cung cấp thông tin theo đúng thời hạn quy định, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Theo số liệu thống kê từ Trademap, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép dây của Việt Nam sang Canada tăng nhanh trong các năm trở lại đây. Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 10 triệu USD dây thép sang Canada. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng gấp đôi lên 21 triệu USD trong năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 40 triệu USD trong năm 2022.

Mặt hàng dây thép được ứng dụng rộng rãi trong bê tông dự ứng lực (PC Wire), khung dù, hạt bi sắt lốp xe (TBW), dây piano, lõi dây của các dây dẫn, dây cáp dùng cho thang máy, cần cẩu, lõi điện cực hàn, đinh…

Tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp và 1 vụ việc tự vệ. Theo đó, Canada nhắm tới hầu hết các mặt hàng, loại hình thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn, ống thép dẫn dầu OCTG…

Có thể bạn quan tâm