Theo Cục An toàn thực phẩm, đơn vị này vừa nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang Gân Cốt Hoàn có chứa chất cấm Diclofenac (7,16 mg/g). Hiện Cục An toàn thực phẩm đang chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi (nơi lấy mẫu) và Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (nơi có cơ sở sản xuất và công bố) xác minh, xử lý vụ việc.
Sản phẩm trên thuộc lô sản xuất: 0006; NSX: 20/06/2019; HSD: 19/06/2022; GP Bộ Y tế - 19778/2017/ATTP-XNCB; Cơ sở Kim Hoàn sản xuất tại 58 Cao Văn Lầu, P 1, Q 6, TP HCM. Địa điểm lấy mẫu là nhà thuốc Dũng Loan, 243 Lê Trung Đình, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Bên cạnh sản phẩm trên, Cục An toàn thực phẩm cũng nhận được báo cáo của Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên xương khớp Japan chứa chất cấm Diclofenac (4,85 mg/g). Hiện Cục An toàn thực phẩm đang chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi (nơi lấy mẫu) và Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (nơi có cơ sở sản xuất và công bố) xác minh, xử lý vụ việc.
Sản phẩm Viên xương khớp Japan được phát hiện chứa chất cấm thuộc lô sản xuất: BX021901; Ngày SX: 06/2019; Hạn dùng: 06/2022; Thương nhân chịu trách nhiệm về chất lượng: Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm Japan, địa chỉ: 52/1 ĐHT 10,P.Đông Hưng Thuận, Q 12, TP HCM, được sản xuất tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩmTâm Minh Anh, địa chỉ: 52/1 Đông Hưng Thuận 10, P. Đông Hưng Thuận, Q 12, TP. Hồ Chí Minh. Sản phẩm được lấy mẫu tại Phòng chẩn trị Đông y Thanh Bình, 215 Nguyễn Nghiêm, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.
Từ thông tin trên, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin và hình ảnh như trên. Trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Diclofenac được dùng chủ yếu dưới dạng muối natri. Diclofenac là một chất ức chế mạnh hoạt tính của cyclooxygenase, do đó làm giảm đáng kể sự tạo thành prostaglandin, prostacyclin và thromboxan là những chất trung gian của quá trình viêm. Diclofenac cũng điều hòa con đường lipoxygenase và sự kết tụ tiểu cầu.
Tuy nhiên, tác hại nổi trội hơn là thuốc gây hại đường tiêu hóa. Tác hại này là do bản chất của thuốc (thuốc làm giảm tổng hợp prostaglandin dẫn đến ức chế tạo mucin - đây là chất có tác dụng bảo vệ đường tiêu hóa). Vì vậy, đối với trường hợp bị loét dạ dày tiến triển thì tuyệt đối không được dùng thuốc này. Cần rất thận trọng dùng ở người có tiền sử loét, chảy máu hoặc thủng đường tiêu hóa (cân nhắc lợi và hại khi dùng thuốc). Một số biểu hiện khác ở đường tiêu hóa như trướng bụng, chán ăn, khó tiêu…
Do ức chế tổng hợp prostaglandin nên khi dùng diclofenac có thể gây viêm thận kẽ, viêm cầu thận, hoại tử nhú và hội chứng thận hư đặc biệt ở những người bị bệnh thận hoặc suy tim mạn tính. Với những người bệnh này, các thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng suy thận cấp và suy tim cấp. Do đó, người bị bệnh tim mạch, suy thận nặng hoặc suy gan nặng, người bị hen hay co thắt phế quản, quá mẫn với thuốc thì không được dùng thuốc này. Khi có triệu chứng dị ứng với diclofenac phải ngừng thuốc ngay và cần sự trợ giúp của y tế.