Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hơn 11.000 tỷ đồng chính thức khởi công

Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng chiều dài 60km, đây là đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, kết nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Huế - TP.HCM - Cà Mau...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hơn 11.000 tỷ đồng chính thức khởi công
Cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng hơn 11.000 tỷ đồng chính thức khởi công

Ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng với tổng nguồn vốn hơn 11.000 tỷ đồng, là đoạn cuối cùng được khởi công của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông.

Dự án tuyến đường bộ cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), nhà đầu tư là liên danh do Tập đoàn Đèo Cả đại diện.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước tham gia dự án là 5.495 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp là 5.529 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2026; thời gian hoàn vốn cho dự án là hơn 25 năm.

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn; có tổng chiều dài gần 60 km.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong những năm qua, nước ta đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược. Nhiều dự án đường cao tốc đã và đang được triển khai kết nối các vùng miền, trong đó có tuyến Bắc – Nam.

Theo Thủ tướng, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có nhiều điểm đặc biệt. Đây là đoạn cuối cùng của tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông, kết nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Huế - TP.HCM - Cà Mau.

Việc khởi công là dấu mốc quan trọng, nhưng những công việc thời gian tới rất nặng nề, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành với tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, tháo gỡ các vướng mắc một cách chủ động, linh hoạt, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, phát huy trách nhiệm cao nhất, không đùn đẩy, né tránh.

img4074-17136687275911317575954-2308.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công

Cũng tại đây, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng là một mảnh ghép hoàn chỉnh của tuyến cao tốc Bắc Nam. Tuy nhiên, việc triển khai dự án gặp nhiều khó khăn. Song những khó khăn đó đã được các cấp ủy, chính quyền tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu, đề xuất và Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các đơn vị liên quan cùng chung tay tháo gỡ kịp thời, hiệu quả.

"Điều đó khẳng định đối với những dự án đầu tư PPP khó khăn nếu có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, quyết tâm vào cuộc của chính quyền địa phương và đặc biệt sự ủng của nhân dân thì khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành", ông Hoàng cho hay.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Quốc Đoàn, Trưởng Ban chỉ đạo dự án, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này sẽ là cầu nối quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhằm tạo ra hành lang kinh tế xuyên Á, tạo lợi thế hơn nữa để Việt Nam là cửa ngõ giao lưu thương mại với Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á.

Dự án góp phần phát triển nhanh các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn như công nghiệp, du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa; thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn; tạo động lực để tỉnh Lạng Sơn phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trở thành một trong các cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ...

Trước đó, vào đầu tháng 4/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Theo quyết định, đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568 – Công ty Cổ phần Lizen.

Về liên doanh trúng thầu, Tập đoàn Đèo Cả được thành lập từ tháng 7/2015, tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Cầu đường Sài Gòn. Tổng giám đốc công ty là ông Ngọ Thành Nam còn Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Hồ Minh Hoàng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của Tập đoàn Đèo Cả, doanh thu thuần đạt 6.358 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 642 tỷ đồng tăng lần lượt 52% và 54% so với năm 2022.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của tập đoàn ghi nhận ở mức 46.410 tỷ đồng, hàng tồn kho là 780 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 33.681 tỷ đồng. Còn vốn chủ sở hữu của Tập đoàn Đèo Cả là 12.728 tỷ đồng, tăng 735 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Đối với Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả đây là công ty con của Tập đoàn Đèo Cả. Còn Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568 là đơn vị ký kết thoả thuận hợp tác đầu tư với Tập đoàn Đèo Cả.

Cuối cùng là Công ty Cổ phần Lizen tiền thân là Công ty Xây dựng số 16 được thành lập vào năm 2001 và chuyển đổi mô hình hoạt động thành Công ty cổ phần LICOGI 16 với mã chứng khoán LCG niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2008. Tháng 4/2022, LICOGI 16 chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu thành Công ty cổ phần Lizen.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của công ty cho thấy, lợi nhuận sau thuế của công ty đã giảm tới 14,2% so với trước kiểm toán, tương ứng giảm 16,82 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sau kiểm toán, lợi nhuận gộp giảm 10% và chi phí tài chính tăng 23,2%.

Ban lãnh đạo công ty Lizen cho biết, lợi nhuận sau kiểm toán giảm sâu đến từ việc trích lập thêm dự phòng nợ phải thu khó đòi.

Đầu năm 2023, công ty Lizen chỉ trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 121,16 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm thì mức trích lập này đã tăng thêm hơn 47%, lên tới 178,6 tỷ đồng. Công ty không thuyết minh trích lập nợ xấu từ khách hàng nào.

Như vậy, sau kiểm toán, công ty Lizen ghi nhận doanh thu đạt 2.008 tỷ đồng, tăng 99,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 47,7%, còn 101,57 tỷ đồng trong năm 2023.

Có thể bạn quan tâm