Cặp đôi đại gia kim tiền số 1 Việt Nam: Vợ xây “đế chế vàng bạc”, chồng cuối đời vướng lao lý

Giới kinh doanh chẳng xa lạ gì với danh xưng cặp vợ chồng kim tiền số 1 Việt Nam của ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung...

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-27 lúc 16.19.07.png

Trong giới kinh doanh Việt Nam, dường như chẳng có ai là không biết đến cặp đôi kim tiền số 1 Việt Nam ông Trần Phương Bình và vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung. Ông Bình được giới tài chính biết tới, gắn liền với khả năng “chèo lái” đưa ngân hàng DongA Bank đến những đỉnh cao.

Trong khi đó, người vợ luôn đồng hành với ông cũng là một nữ doanh nhân có tiếng trên thương trường - bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Song cặp đôi này lại mang đến cái kết chẳng “đẹp như ngôn tình” khi ông Bình qua đời ở tuổi 65 - thời điểm thi hành bản án chung thân về loạt sai phạm trong thời gian điều hành tại DongA Bank. Ngược lại, bà Dung vẫn “vững tay chèo” khi PNJ liên tục tăng trưởng mạnh.

Điều này cũng làm cho nhiều người tò mò về tiểu sử cặp đôi “hiếm như sao buổi sớm” trên thương trường và bí ẩn PNJ có phải là “sân sau” của DongA Bank không?

CẶP ĐÔI ĐẠI GIA KIM TIỀN SỐ 1 VIỆT NAM

Trước khi trở thành người gây dựng, dẫn dắt DongA Bank, ông Trần Phương Bình từng có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy kinh tế tại các trường đại học. Ngỡ tưởng “nghề cầm phấn” sẽ gắn bó với ông cả đời, nhưng bất ngờ đến năm 1990, ông Bình lại quyết định “bẻ lái” trở thành lãnh đạo ngân hàng từ khi DongA Bank còn sơ khai.

Dưới sự lãnh đạo của ông, DongA Bank không chỉ phát triển mạnh mẽ mà còn trở thành một trong những ngân hàng có tiếng tăm về dịch vụ và công nghệ tại Việt Nam lúc bấy giờ.

donga-1_UEYF.jpg
Ông Trần Phương Bình, Nguyên Tổng giám đốc ngân hàng DongA Bank

Từ một ngân hàng nhỏ chính thức đi vào hoạt động từ năm 1992, với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng, DongA Bank dần phát triển với quy mô vốn lên đến 5.000 tỷ đồng vào năm 2014.

DongA Bank cũng là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại và tự chế tạo ra các thiết bị tiên tiến như máy ATM bán vàng tự động, máy ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp.

Giai đoạn 2006 - 2011, DongA Bank luôn đạt tăng trưởng cao và chi trả cổ tức cho cổ đông đều đặn với tỷ lệ thuộc top đầu thị trường. Chỉ tính riêng năm 2011, thu nhập lãi thuần của DongA Bank đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng 80% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của DongA Bank trong năm này lên tới gần 950 tỷ đồng. Đây là một con số mà nhiều ngân hàng lớn thời đó “mơ chẳng với được”.

Mặc dù không nắm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Bình luôn được xem là người trực tiếp chèo lái và định hình chiến lược của ngân hàng này. Tuy nhiên, những sai phạm đã đẩy ông từ đỉnh cao danh vọng xuống vực sâu của sự nghiệp, kết thúc bằng một cuộc đời đầy sóng gió và lao lý.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Trong lúc ông Bình điều hành DongA Bank thì vợ ông - bà Cao Thị Ngọc Dung chèo lái con thuyền PNJ vươn ra biển lớn và được mệnh danh là nữ hoàng trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý Việt Nam. Năm 1988 bà thành lập cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý Phú Nhuận, tiền thân của PNJ hiện nay.

Từ năm 1992 đến 1997, bà Dung đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng quản trị DongA Bank và lãnh đạo cao nhất tại PNJ. Đến năm 1997, bà Dung rút lui khỏi các chức vụ tại DongA Bank, về tập trung quán xuyến công việc tại PNJ.

DongA Bank và PNJ vừa có mối quan hệ sở hữu chéo cổ phiếu vừa có mối quan hệ "gia đình" nên thông tin ông Bình bị bắt ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu PNJ khá nhiều. Tuy vậy, bà Dung đã vững tâm đưa PNJ vượt qua sóng gió và dư luận.

Từ một công ty nhỏ với vốn điều lệ vỏn vẹn 7,4 chỉ vàng và 20 thợ kim hoàn, nhưng giờ đây, dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của "người đàn bà thép", PNJ đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu về kinh doanh trang sức tại Việt Nam, niêm yết trên sàn chứng khoán với thị giá cao ngất ngưởng.

PNJ CÓ PHẢI “SÂN SAU” DONGA BANK?

Hồi cố lại lịch sử, thời điểm ông Trần Phương Bình bị khởi tố từng gây băn khoăn cho nhiều cổ đông PNJ về mối quan hệ giữa PNJ và DongA Bank. Tại Đại hội đồng cổ đông của PNJ hồi tháng 4/2018, bà Dung đã đi thẳng vào vấn đề này, khẳng định PNJ không phải là “sân sau” của ông Trần Phương Bình và không liên quan đến những vấn đề của DongA Bank.

"Thông thường nhiều người hay nghĩ một người làm chủ ngân hàng thì sau lưng là các công ty con. Tuy nhiên, ông Trần Phương Bình không có công ty riêng, không có liên kết làm ăn do vậy rất nhiều người nghĩ PNJ là công ty sân sau của ngân hàng DongA Bank. Nhưng thực tế không phải vậy. Nếu PNJ có liên quan thì công ty không thể đứng vững được đến nay", bà Dung khẳng định.

Cũng theo bà Dung, vì bà - lãnh đạo PNJ - và ông Trần Phương Bình có mối quan hệ vợ chồng và PNJ cũng đồng thời là cổ đông sáng lập DongA Bank nên khi thanh tra ngân hàng DongA Bank thì đối tượng được soi đầu tiên là PNJ, thậm chí "soi đến tận cùng".

Từ sau khi DongA Bank bị kiểm soát đặc biệt, tất cả ngân hàng đều ngưng cho PNJ vay trong vòng hơn 1 tháng. Công ty phải vay mượn từ cán bộ nhân viên để vượt qua những ngày khó khăn đó.

Bà phải gặp các ngân hàng yêu cầu kiểm kho, kiểm tra chứ không thể nghi ngờ, sau đó một số ngân hàng đã tìm hiểu sau đó cho PNJ vay lại từ tháng 10/2014. Và ở đây là cho vay tín chấp.

Song nói đi cũng phải nói lại, trước khi bị Ngân hàng Nhà nước đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc DongA Bank, ông Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại nhà băng này.

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2015 của DongA Bank, ông Bình nắm giữ 15 triệu cổ phiếu DAF (tương đương 3%). Bà Cao Thị Ngọc Dung nắm giữ gần 9,7 triệu cổ phiếu (hơn 1,9%); các con gái Trần Phương Ngọc Giao, Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Hà nắm giữ tổng cộng 23,7 triệu cổ phiếu (tương đương khoảng 4,7%). Bên cạnh đó mẹ vợ, anh em vợ của ông Bình cũng nắm giữ hàng triệu cổ phiếu DAF.

Nhóm cổ đông do ông Bình làm đại diện từng nắm giữ 10,25% vốn điều lệ của DongA Bank và nhóm cổ đông là người thân của ông Bình từng nắm giữ 7,7% vốn điều lệ DongA Bank.

Thời điểm đó, nếu tính giá cổ phiếu DongA Bank trên thị trường, gia đình ông Bình có thể sở hữu khối lượng cổ phiếu DAF trị giá hàng trăm tỷ đồng. Cùng với khối tài sản sở hữu tại PNJ, nhà ông Bình lọt top 20 gia đình giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.

Ảnh chụp Màn hình 2024-08-27 lúc 16.08.45.png
Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 của PNJ

Mối quan hệ giữa PNJ và DongA Bank còn thể hiện trong khoản đầu tư của PNJ tại DongA Bank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm 7,7% vốn điều lệ (tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn).

“Lương duyên” của PNJ và DongA Bank còn được chứng minh ở các khoản vay và dùng khoản đầu tư cổ phiếu vào DongA Bank làm tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay của PNJ.

Liên quan đến các khoản vay nợ tại công ty, trong những năm trước PNJ vay bằng vàng tương đối lớn và đến cuối năm 2013 đã tất toán xong các khoản vay bằng vàng. Nhiều nhất là trong năm 2012 với 832 tỷ đồng vay bằng vàng, trong đó vay DongA Bank 163 tỷ đồng. Khoản vay bằng tiền đồng của PNJ tại DongA Bank đã giảm trong những năm gần đây và còn lại không đáng kể.

Sau nhiều năm song hành mật thiết cùng nhau, bất ngờ đến năm 2015, DongA Bank trở thành cú sốc "đánh" vào chính kết quả kinh doanh của PNJ khi Ngân hàng Nhà nước công bố kiểm soát đặc biệt. Trước đó PNJ công bố báo cáo quý 2/2015 tự lập với khoản trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongA Bank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau soát xét, PNJ đã tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongA Bank, nâng số dư khoản trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn tại PNJ từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, làm tăng chi phí tài chính trong kỳ và kéo giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất tụt xuống còn 107 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính riêng quý 3/2017 cho thấy, khoản đầu tư này hiện đã được PNJ trích lập dự phòng 100%. Con số này cao gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế quý 3/2017 của PNJ.

Việc DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt nhiều năm qua khiến nhiều người phải ngày ngày nhìn tiền “chết” do không còn sinh lời, cũng không thể mua bán hay chuyển nhượng được.

Vì vậy, các cổ đông chỉ còn biết đợi DongA Bank hồi phục và cổ phiếu DAF được phép giao dịch trở lại thì mới mong có thể thu hồi vốn. Tuy nhiên, câu chuyện đến khi nào DAF được giao dịch trở lại vẫn là những dấu chấm hỏi không dễ trả lời.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...