Đây là lần thứ 3 tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) này gặp sự cố trong năm 2021. Nguyên nhân được xác định là do đứt đoạn cáp trên nhánh này.
Điều đáng nói là, sự cố mới xảy ra trên tuyến cáp biển AAG chỉ cách thời điểm tuyến cáp biển sửa xong lỗi cũ trên nhánh S1B kết nối từ Hong Kong đi Singapore, khôi phục hoàn toàn dung lượng trên tuyến vẻn vẹn có 12 ngày.
Hiện các nhà mạng đã ngay lập tức triển khai phương án chuyển hướng lưu lượng từ tuyến AAG sang những tuyến cáp biển khác như APG, IA, SMW3 và các hướng cáp đất liền qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.
Hiện tại, bên cạnh AAG vừa gặp sự cố mới, còn có 1 tuyến cáp biển nữa cũng đang bị lỗi, đó là tuyến cáp Asia Africa Europe 1 (AAE-1).
Đây là tuyến cáp biển được đưa vào khai thác tháng 7/2017, AAE-1 có vai trò nâng cao chất lượng kết nối hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore.
Lần thứ hai trong năm 2021, vào ngày 4/9 và 7/9, tuyến cáp AAE-1 đã lần lượt bị lỗi trên 2 đoạn cùng trên nhánh cáp S1H - đoạn trục giữa Campuchia và Thái Lan. Sự cố gây gián đoạn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi Singapore và châu Âu trên tuyến cáp.
Theo kế hoạch, dự kiến 2 lỗi trên nhánh cáp S1H của tuyến cáp biển AAE-1 sẽ được sửa trong thời gian từ ngày 2/11 đến 6/11 tới.
Được đưa vào vận hành chính thức từ hơn 11 năm trước, AAG là tuyến cáp quang biển có chiều dài 20.191 km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tuyến cáp biển này đi qua gồm có Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).
Cho đến nay, theo đánh giá của các chuyên gia, dù thường xuyên gặp sự cố song lưu lượng AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn.