Việc Bộ Xây dựng có ý kiến với TP.HCM về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở đô thị quy mô 117ha tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM (dự án Sài Gòn Peninsula) ban đầu được cho là là thực hiện nhiệm vụ được giao theo kết luận tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 29/3/2018 của Văn phòng Chính phủ, truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về dự án này.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ KHĐT, Bộ Tư pháp thực hiện rà soát các kết quả triển khai, các thủ tục đầu tư liên quan của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị. Trên cơ sở đó Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản giải trình về quy trình, thủ tục, chủ trương đầu tư Dự án, theo thông tin từ Báo Xây dựng.
"Để tìm hiểu cụ thể những ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về dự án này, PV đã tra cứu tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ - nơi cập nhật đầy đủ nhất các văn bản, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên thời điểm tháng 3 và cả tháng 4/2018 đều không có Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 29/3/2018 của Văn phòng Chính phủ. Hiện chưa rõ thông báo này là có thật hay không, cũng như lý do thông báo này (nếu có) lại không xuất hiện tại Cổng thông tin điện tử của Chính phủ.
Theo đó, dự án Sài Gòn Peninsula đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 11/2007, với chủ đầu tư là Công ty CP Đại Trường Sơn (nay là Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula). Dự án được gia hạn thực hiện thủ tục vào tháng 4/2009.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết dự án tiếp tục được chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện vào tháng 8/2015. Tức là hơn 6 năm sau khi được gia hạn lần thứ nhất.
Đây rõ ràng là khoảng thời gian dài đến khó hiểu khi thực hiện thủ tục cho dự án, đặc biệt lại là khi sự chậm ấy diễn ra tại thành phố được trao nhiều cơ chế đặc thù như TP.HCM. Càng khó hiểu khi lại xảy ra với dự án của tập đoàn hùng mạnh và kín tiếng như Vạn Thịnh Phát.
Đánh giá về nguyên nhân chậm trễ 6 năm này, Bộ Xây dựng cho rằng do UBND TP.HCM đã thiếu kiểm tra, đôn đốc, rà soát tiến độ triển khai dự án. Đồng thời cũng không kịp thời có phương án xử lý theo quy định của pháp luật. Từ đó dẫn đến các thủ tục, quá trình đầu tư phải điều chỉnh nhiều lần.
Không có thông tin về việc suốt trên 6 năm siêu dự án bị chậm trễ này, chủ đầu tư đã từng kiến nghị bao nhiêu lần, hay thực hiện các bước thủ tục gì để thúc giục UBND TP thực hiện thủ tục cho dự án.
Nhấn mạnh là, việc phân định rõ trách nhiệm chậm triển khai dự án thuộc về UBND TP.HCM, hay thuộc về doanh nghiệp, có thể đóng vai trò quyết định trong việc cho phép, hay không cho phép Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula triển khai tiếp dự án này.
Trường hợp doanh nghiệp liên tục xin điều chỉnh dự án nhằm câu giờ triển khai, hoặc viện cớ khác kéo dài thủ tục, việc tiếp tục giao dự án cho doanh nghiệp có thể lại hàm chứa nguy cơ dự án tiếp tục chậm thêm nhiều năm.
Về xử lý, Bộ Xây dựng cho biết, có 2 mốc thời gian liên quan tới các căn cứ pháp lý điều chỉnh Dự án. Đó là thời điểm từ năm 2007 đến trước ngày 01/7/2015 và thời điểm từ ngày 01/7/2015 đến nay.
Như trên đã dẫn, UBND TP.HCM đã chấp thuận đầu tư dự án từ tháng 11/2007, gia hạn vào tháng 4/2009. Nên có thể hiểu, thời gian đầu, UBND TP.HCM đã đặt nền móng cho việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Còn theo khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014, dự án có quy mô đầu tư từ 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi ban đầu dự án có tổng mức đầu tư là 9.232 tỷ đồng (tương đương hơn 6 tỷ USD), tức thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng.
Tuy nhiên, thời điểm từ sau ngày 27/12/2015 đến nay, trường hợp Dự án thuộc quy định tại Khoản 2, Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà phải thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư, thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc UBND cấp tỉnh (theo quy định tại Điều 32, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư).
Do đó, để đảm bảo dự án thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị tại thời điểm này, Bộ Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM theo thẩm quyền hoàn thiện các văn bản về việc quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Chủ tịch UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận đầu tư Dự án theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP và các quy định của pháp luật hiện hành.
Nói cách khác, Bộ Xây dựng đã “bật đèn xanh” cho dự án này tiếp tục được triển khai, sau hơn 10 năm chậm trễ, với kết luận khá rõ ràng về trách nhiệm của UBND TP.HCM, và khá mù mờ về trách nhiệm của chủ đầu tư.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND TP.HCM chịu trách nhiệm rà soát việc triển khai Dự án theo quy định của pháp luật, trường hợp có vi phạm, xem xét, xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng. Đây là Liên doanh gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để đầu tư phát triển dự án.
Về hai đối tác - Pavilion Group và Genting Group – cũng như quan hệ với Vạn Thịnh Phát trong Công ty CP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, Thương Gia Online sẽ đề cập trong một bài viết khác.
Dự án Sài Gòn Peninsula nằm ở ở ngã 3 sông Sài Gòn và Nhà Bè, gần cầu Phú Mỹ, gần trung tâm thành phố và quận 2. Chủ đầu tư cho biết, nếu mọi thủ tục khởi động lại thuận lợi, dự án sẽ giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại trong quý 1 năm 2017 và triển khai hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án vào quý 2 năm 2017, hạ tầng xã hội không quá quý 1 năm 2018.