Trong những năm qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển như vũ bão của hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng, khi vừa chống thất thu ngân sách, vừa phải đảm bảo sự công bằng trong nghĩa vụ thuế giữa lĩnh vực thương mại điện tử và lĩnh vực thương mại truyền thống.
Để quản lý hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cơ quan thuế cùng các ngành liên quan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năm phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Vì vậy, làm thể nào để có thể thích ứng, bắt kịp và hoàn thiện các chính sách thuế, cũng như có những biện pháp thu thuế thương mại điện tử phù hợp với tình hình thị trường tại Việt Nam đang là bài toán đặt ra với cơ quan thuế nói riêng và các ngành các cấp nói chung.
Dịch vụ COD làm khó
Thương mại điện tử ở Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây, ước tính tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90%, trong khi tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử luôn ở mức khá cao, trên 20%/ năm.
Hoạt động thương mại điện tử là một mảng không quá mới, đến nay hệ thống luật pháp liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động này của Việt Nam đã được quy định khá đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai thu thuế với hoạt động này còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập so với hoạt động kinh doanh truyền thống.
Đại điện cơ quan thuế đã chỉ ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thu thuế thương mại điên tử như, khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu và các đối tượng nộp thuế, khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế, khó phân biệt các loại thu nhập để làm cơ sở đánh thuế, khó khăn kiểm soát giao dịch, việc quản lý dòng tiền cũng không dễ dàng…
Đơn cử như việc rất khó phân biệt các loại thu nhập để làm cơ sở đánh thuế vì thương mai điện tử phát sinh rất nhiều các loại thu nhập, ví dụ như phí dịch vụ, phí bản quyền…
Bên cạnh đó, ngày nay việc giao dịch thanh toán bằng phương thức COD (nhận hàng mới trả tiền) cũng khiến việc quản lý dòng tiền cũng không hề dễ dàng. Phần lớn người mua hàng online sử dụng dịch vụ COD và số người sử dụng dịch vụ này lớn hơn rất nhiều so với người thanh toán qua ngân hàng.
Ngoài những khó khăn kể trên, việc phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam không tiến hành đăng ký kinh doanh, nên cơ quan nhà nước khó theo dõi, quản lý, xác định đối tượng.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng tài khoản cá nhân để thanh toán các khoản phí dịch vụ nước ngoài không kê khai doanh thu tính thuế. Trong đó, một bộ phận khá lớn các tổ chức, cá nhân sử dụng website để quảng bá sản phẩm, hàng hóa, bán trực tiếp cho người tiêu dùng là cá nhân không xuất hóa đơn bán hàng, không kê khai.
Tiếp đó, một số hoạt động thương mại điện tử chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh, dẫn đến khó khăn trong việc xác định bản chất, loại hình để đánh thuế hoạt động kinh doanh, trong khi tùy theo loại hình hoạt động mà cơ quan quản lý thuế áp dụng các mức thuế khác nhau.
Thực tế cho thấy, đã xuất hiện nhiều trường hợp thực hiện các giao dịch, chuyển nhượng các vật phẩm “ảo” hay cho thuê ứng dụng để đặt quảng cáo trực tuyến, có doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng không kê khai, nộp thuế đầy đủ. Đó chính là những khó khăn thách thức đặt ra đối với ngành thuế trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Cần hoàn thiện hành lang pháp lý
Theo các chuyên gia kinh tế, để giải quyết những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, cần củng cố về mặt pháp lý để đảm bảo đầy đủ các cơ sở pháp lý cho cơ quan chức năng thực thi các biện pháp quản lý thuế.
Các tổ chức, cá nhân khi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phải có trách nhiệm kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm, hướng dẫn tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế kê khai theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong trường hợp người nộp thuế cố tình không kê khai, cơ quan thuế sẽ có chế tài như công tác thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm. Nếu có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định pháp luật.
Để quản lý thuế thương mại điện tử được hiệu quả, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử. Các sàn có thể kê khai, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, hoặc các sàn thương mại điện tử sẽ cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý thuế theo đúng quy định pháp luật.
Về lâu dài, các đơn vị có liên quan cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi chính sách theo hướng quy định trách nhiệm khai thuế, nộp thuế đối với chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, thực hiện khấu trừ thuế cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn.
Theo đại diện cơ quan thuế, ngành thuế sẽ tăng cường cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử, áp dụng trí tuệ nhân tạo Al. Qua đó có thể tổng hợp các hành vi trốn thuế phổ biến của người nộp thuế, phân loại người nộp thuế theo các nhóm điển hình để có các biện pháp quản lý thuế phù hợp, từ đó đưa ra những cảnh báo đối với những trường hợp vượt ngưỡng rủi ro.
Đồng thời, cơ quan thuế cần tăng cường công tác rà soát, thanh tra các đối tượng mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh qua mạng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, để xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, chống thất thu thuế.
Cùng với đó, các cơ quan có liên quan cần xây dựng danh mục cụ thể về những lĩnh vực sẽ tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online, đăng ký ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp sát với hoạt động kinh doanh thực tế.
Theo khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), biện pháp thu thuế giá trị gia tăng tại nguồn đối với hoạt động thương mại điện tử cũng là một phương án khả thi. Cách thức thực hiện của biện pháp này, đó là khi có phát sinh hoạt động giao dịch thương mại điện tử, sẽ có một dòng tiền thuế giá trị gia tăng đổ thẳng vào ngân sách nhà nước. Biện pháp này nếu được thực hiện sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức của người nộp thuế cũng như cơ quan thuế.
Thực tế trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng biện pháp này, như Argentina, Ecuador, Paraguay… Tuy nhiên để có thể thực hiện thu thuế tại nguồn cần được củng cố rất nhiều về mặt pháp lý.
Bên cạnh đó, ngoài chính sách thuế cần có sự phối hợp chặn chẽ giữa các bộ, ban, ngành, đơn vị có liên quan. Đặc biệt trong việc xây dựng pháp luật về thuế, cần đồng nhất chính sách quản lý hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc xây dựng và củng cố hành lang pháp lý là một chặng đường dài, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vì vậy, trong quá trình chờ hoàn thiện hành lang pháp lý, việc quan trọng để quản lý thuế được hiệu quả đó là cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhằm tăng trách nhiệm của người nộp thuế, người thuế có liên quan và người nộp thuế trung gian.