Tiếp tục tư duy gắn mào
Không lẽ ngoài việc bắt xe hợp đồng điện tử gắn hộp đèn, không có cách tư duy nào khác về việc này? Có phải năng năng lực tiếp thu những tư duy mới, cách làm mới của một số cơ quan quản lý nhà nước đang thực sự có vấn đề?
Ông Nguyễn Đình Cung o Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đặt hàng loạt câu hỏi khi nhận được thông tin Bộ Giao thông – Vận tải kiên quyết giữ quan điểm “đeo mào” cho các xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.
“Thực sự quá chán để nói mãi một vấn đề, nhưng tôi vẫn phải đặt câu hỏi, không lẽ không có cách nào để nhận diện loại xe hợp đồng điện tử ngoài cách gắn hộp đèn”, ông Cung chia sẻ quan điểm khi nhận tin Dự thảo lần thứ 9 của Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP tiếp tục giữ yêu cầu này.
Trong Dự thảo lần thứ 9 mà Bộ Giao thông – Vận tải vừa trình Chính phủ, các loại xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (như xe uber, Grab, Vato, Be...) đều phải gắn hộp đèn “xe hợp đồng” trên nóc.
Cụ thể, Dự thảo quy định trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 09 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn được quy định tối thiểu 12 x 30 cm”.
Giải trình lý do, trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Giao thông – Vận tải cho rằng, đây là cách để bảo đảm quản lý đúng loại hình kinh doanh vận tải, xác định rõ hình thức ứng dụng hợp đồng điện tử với loại hình taxi; đồng thời, phân biệt với xe cá nhân (loại xe không kinh doanh vận tải).
“Tránh tình trạng xe cá nhân trá hình để kinh doanh dẫn đến gây khó khăn cho lượng lượng tuần tra kiểm soát và công tác tổ chức giao thông đô thị (đường có biển cấm loại phương tiện này, nhưng do không có nhận diện nên vẫn đi vào các tuyến phố bị cấm dẫn đến ùn tắc giao thông) và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải”, Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo Chính phủ.
"Thực sự quá chán để nói mãi một vấn đề nhưng tôi cũng vẫn phải đặt câu hỏi, không lẽ không có cách nào để nhận diện loại xe hợp đồng điện tử ngoài cách gắn mào?
Bộ Giao thông – Vận tải cũng cho biết, Bộ Công an và thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM đồng thuận với việc quy định để tăng cường công tác quản lý vận tải, cũng như tổ chức giao thông đô thị và phục vụ công tác tuần tra, kiểm soát trên đường.
Hơn thế, Bộ này cho rằng, đề xuất này cũng được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế hiện nay cũng đã có một số nước, như Thái lan, singapore...
Phải nhắc lại, đây là một trong những vấn đề được xác định là chưa đồng thuận trong lần trình Dự thảo lần thứ 8 của Nghị định này. Khi đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu kỹ, toàn diện việc quy định gắn cố định hộp đèn trên nóc xe (đặc biệt lưu ý đến tâm lý, văn hóa của người thuê xe, lái xe, chủ xe... khi phải gắn cố định hộp đèn trên nóc xe); nghiên cứu thêm các hình thức quản lý khác, từ đó thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông, đề xuất quy định phù hợp trong dự thảo Nghị định.
Chi phí tuân thủ
“Giả thuyết rằng việc nhận diện là cần, nhưng thử hỏi có cách nhận diện nào khác có chi phí rẻ hơn không, hay chỉ có cách duy nhất là gắn hộp đèn 12 x 30 cm. Có thể sử dụng các sticker dán trên kính với chi phí rẻ hơn không, như đang quy định với xe hợp đồng”, ông Cung đặt vấn đề.
Phải nhắc lại, một trong lý do các xe taxi truyền thống cần hộp đèn là để thông báo với khách hàng về sự xuất hiện của mình, cộng với đó là sự nhận diện có hay không có khách trên xe. Trong khi đó, với nền tảng ứng dụng mà các xe hợp đồng điện tử đang sử dụng, đây không phải là cách kết nối với khách hàng.
Nếu như để các cơ quan quản lý nhà nước nhận biết để phục vụ công tác quản lý giao thông, hộp đèn không phải là cách duy nhất.
Trong văn bản có ý kiến vào Dự thảo lần thứ 8 của Nghị định này, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đề nghị bỏ quy định lắp hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi vì quy định này không nhằm mục đích quản lý nào nhưng lại tạo thêm chi phí tuân thủ cho đầu xe, với tư cách là những đối tác của các công ty công nghệ.
Thực tế, đồng nghiệp của ông Cung, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM đã từng tính toán chi phí mà các doanh nghiệp sẽ phải thực hiện khi yêu cầu gắn mào xe hợp đồng điện tử được thực thi.
“Để tính chi phí không khó, chỉ cần dùng công cụ tìm kiếm trên mạng, cơ quan quản lý sẽ biết quy định này sẽ khiến một xe ô tô bỏ ra khoảng 200.000 để tuân thủ. Nhân lên hàng ngàn phương tiện hiện tại, cộng thêm chi phí đưa xe đi gắn biển, thì tổng số chi phí xã hội bỏ ra không hề nhỏ...”
Ông Phan Đức Hiếu - CIEM
Thực ra, việc tính toán này của ông Hiếu không phải chỉ để làm cơ sở cho đề xuất không nên tiếp tục giữ tư duy cũ cho các đề xuất liên quan đến các mô hình kinh doanh mới. “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nếu các cơ quan quản lý nhà nước trước khi đề xuất điều kiện kinh doanh thử tính toán xem doanh nghiệp sẽ phải mất chi phí tuân thủ thế nào để tự đặt câu hỏi có cách nào rẻ hơn không, chắc chắn mọi việc có thể sẽ khác”, ông Hiếu nói.
Nhưng, mọi việc đã không khác trong trường hợp của Bộ Giao thông – Vận tải với việc sửa đổi Nghị định 86/2014/ NĐ-CP.
>> Grab "vô tội" trong thương vụ mua Uber tại Việt Nam