So với cùng kỳ năm trước, trong tháng này chỉ số IIP tăng ở 61 địa phương và chỉ giảm ở 2 địa phương (Trà Vinh giảm 25%; Hà Tĩnh giảm 15,6%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-10-2022 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 10,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,1%, giảm 6,9%; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,5% và 4,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,1% và 13,2%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, IIP ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 3,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm ngoái tăng 5,1%), đóng góp 7,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,8%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Về số doanh nghiệp thành lập, trong tháng này, cả nước có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng 58,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, cả nước còn có 3.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 23,7% so với tháng trước và giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cùng thời gian này, cả nước có 4.058 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 38,3% so với tháng trước đó và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái; có 4.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,3% và 37,8%; có 1.602 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,7% và 98,8%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, cả nước có 178,5 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập và quay trở lại hoạt động, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,8 ngàn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 122,1 ngàn doanh nghiệp, tăng 25,8%; bình quân một tháng có 12,2 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 10 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,15% của CPI tháng 10 so với tháng trước có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, nhóm giao thông giảm 2,17% (làm CPI chung giảm 0,21 điểm phần trăm) và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Bình quân 10 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,14%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.