Tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Trong đó, ngành khai khoáng giảm 3,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,1%), làm giảm 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), làm giảm 5,3 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,4%), làm giảm 0,5 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,7%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Theo báo cáo, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như sản xuất thiết bị điện giảm 50,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 13%; sản xuất kim loại giảm 12,2%…
Bên cạnh đó, chỉ số IIP của một số ngành tăng so với cùng kỳ năm trước như sản xuất đồ uống tăng 32,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị tăng 6,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,1%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 4,3%; khai thác quặng kim loại tăng 4,2%.
Đồng thời, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước do số ngày làm việc nhiều hơn và người lao động đã quay trở lại làm việc trong doanh nghiệp.
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/02/2023 tăng 0,5% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,1% so với cùng thời điểm năm trước.
Xét về địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước tăng ở 44 địa phương và giảm ở 19 địa phương trên cả nước.
Một số địa phương có chỉ số công nghiệp đạt mức tăng cao do ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao, như Tuyên Quang tăng 26,3%, Hải Phòng tăng 14,4%, Hải Dương và Phú Thọ tăng 14,3%, Kon Tum tăng 13,4%, Bắc Giang tăng 11,9%, An Giang tăng 11,8%, Hậu Giang tăng 8,9%.
Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Hậu Giang tăng 208,2%, Thái Bình tăng 74,5%, Quảng Trị tăng 40,6%.