Sản xuất xe điện là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa đầy tham vọng của vương quốc Ả rập Xê út nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ, vốn là nguồn doanh thu chính với tư cách là nhà xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Họ dự định rót hàng tỷ USD vào dự án tạo ra một trung tâm sản xuất xe điện, với mục tiêu sản xuất 500.000 xe mỗi năm vào năm 2030.
Ả rập Xê út đã mua phần lớn cổ phần trị giá khoảng 2 tỷ USD cho công ty Lucid Motors, một nhà sản xuất xe điện của Mỹ, với dự định sản xuất khoảng 1/4 mục tiêu vừa kể trên tại vương quốc này.
Ả rập Xê út hy vọng quá trình chuyển đổi sang điện cũng sẽ mang lại cho nước này cơ hội thành công cao hơn vì thị trường động cơ xăng cực kỳ khó thâm nhập do sự thống trị của các nhà sản xuất ô tô lâu đời ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản.
Một quan chức Ả rập Xê út cho biết thị trường chạy bằng pin cung cấp một sân chơi bình đẳng hơn so với nhiên liệu đốt và sẽ khiến vương quốc này phải cạnh tranh với các nhà sản xuất xe điện lớn khác như Trung Quốc, Đức và Mỹ.
Ngoài ra, Ả rập Xê út có thể sử dụng sức mạnh tài chính của mình để “mua” đường vào thị trường xe điện, nhờ thặng dư lớn đến từ dầu mỏ.
“Đó là một lĩnh vực đã được phát triển, do đó Ả rập Xê út có thể mua và đầu tư vào nó thay vì xây dựng từ đầu. Xe điện đang đạt được sức hút trong việc sử dụng toàn cầu và nó cũng góp phần vào câu chuyện chuyển đổi năng lượng”, Monica Malik, nhà kinh tế tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi nói thêm.
Có một số nghi ngờ về khả năng cạnh tranh của nước này với các đối thủ như Trung Quốc với cơ sở sản xuất xe điện mạnh, công nghệ mạnh mẽ, năng suất cao và chi phí lao động rẻ.
Tuy nhiên, sáng kiến sản xuất xe điện được Ả rập Xê út lên kế hoạch với mục tiêu trở thành một trụ cột quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn lực của vương quốc.
Mục đích của nỗ lực đa dạng hóa là mở rộng lực lượng lao động địa phương, dạy cho người lao động những kỹ năng mới và tạo việc làm trong khu vực tư nhân, đồng thời thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Sản xuất xe điện là trọng tâm của kế hoạch này nhờ khả năng tận dụng sự mở rộng dự kiến của ngành trong thời gian tới. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết ô tô điện sẽ chiếm khoảng 60% số phương tiện được bán hàng năm vào năm 2030 nếu đạt được mục tiêu net zero (cắt giảm lượng khí thải xuống gần 0 nhất có thể) vào năm 2050.
Chìa khóa cho kế hoạch của Ả rập Xê út là tạo ra mẫu xe điện Ceer mà quốc gia này hy vọng sẽ sản xuất 170.000 chiếc mỗi năm với sự hợp tác của tập đoàn công nghệ Foxconn và BMW.
Những chiếc xe đầu tiên dự kiến sẽ được bán vào năm 2025 với giá cả phải chăng trên thị trường.
Tarek Fadlallah, giám đốc điều hành của Nomura Asset Management ở Trung Đông cho biết việc thành lập ngành công nghiệp xe điện sẽ cắt giảm đáng kể hóa đơn nhập khẩu của vương quốc.
“Giao thông vận tải chiếm khoảng 15% hóa đơn nhập khẩu của Ả rập Xê út và là nơi tiêu thụ ngoại tệ lớn nhất. Có một động cơ rất lớn để thay thế những chiếc xe nhập khẩu đó bằng những chiếc xe sản xuất trong nước,” ông Tarek Fadlallah cho biết.
Ngoài ra, sáng kiến này phù hợp với mục tiêu của Ả rập Xê út là 30% tổng số phương tiện ở Riyadh sẽ chạy bằng pin vào năm 2030, đồng thời đưa nước này trở thành một trong năm nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, Al Bedwell, giám đốc Global Powertrain tại LMC Automotive cho rằng tình trạng thiếu chip và giá khoáng sản cao cần thiết cho pin đang đem đến những trở ngại và đe dọa sự phát triển của lĩnh vực này.
Đồng thời, ông nhận định sự suy thoái kinh tế trên toàn thế giới có khả năng hạn chế sự mở rộng của lĩnh vực xe điện.
“Vào cuối năm nay, ngành công nghiệp hy vọng họ sẽ sản xuất đủ ô tô. Nhưng tiếc là vào thời điểm đó, mọi người có thể không có đủ tiền để mua chúng,” ông Al Bedwell nói.