Chứng khoán tuần 28/10 - 1/11, phiên giao dịch cuối tuần ghi nhận sự sụt giảm mạnh khi VN-Index giảm 0,76%, đóng cửa ở mức 1.254,89 điểm. Áp lực bán tiếp diễn khiến giới đầu tư thận trọng, trong khi các chuyên gia nhận định rằng thị trường cần giữ vững vùng hỗ trợ 1.240-1.250 điểm để tránh điều chỉnh sâu hơn.
Mặc dù thanh khoản trong tuần duy trì ở ngưỡng trung bình, chưa ghi nhận có biến động đáng chú ý, cho thấy tâm lý chung vẫn còn thận trọng. Dòng tiền lớn vẫn chưa tìm đến nhóm ngành cụ thể nào, thay vào đó luân chuyển quanh các cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 292 tỷ đồng, tập trung ở các mã như MSN (253 tỷ đồng), VHM (165 tỷ đồng), và KDC (101 tỷ đồng). Trong khi đó, VPB (196 tỷ đồng), TCB (144 tỷ đồng), và MWG (108 tỷ đồng) là những mã được khối ngoại mua ròng.
Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng nhẹ so với tuần trước và duy trì trên ngưỡng hỗ trợ mạnh tâm lý 1.250 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản tuần qua giảm, với khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm 19,88%. Khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 7.652 tỷ đồng trong tuần.
Áp lực bán sẽ còn tiếp diễn, nên hạn chế mua mới
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
Ngày giao dịch cuối tuần trước có thanh khoản khớp lệnh gia tăng, cao nhất trong 5 phiên, cộng với đó là biên độ giảm điểm sâu khiến VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Bên cạnh đó, ngưỡng hỗ trợ “khoảng GAP tăng điểm của phiên ngày thứ 3 trong tuần” đã bị phá vỡ cho thấy tín hiệu tiêu cực đang chiếm ưu thế hơn.
Điểm tích cực là đóng cửa tuần VN-Index vẫn có được sắc xanh nhẹ (+0,17%) và hình thành mẫu hình “Harami Cross” cho thấy áp lực bán của tuần trước đó đã chững lại. Tuy vậy, khối lượng khớp lệnh trên HSX của tuần tăng điểm hôm nay sụt giảm so với tuần trước (-19,9%) và thanh khoản của các phiên tăng điểm trong tuần không cao, thấp hơn so với các phiên giảm điểm.
Vì vậy, áp lực bán chững lại từ tín hiệu của mẫu hình nến “Harami Cross” là thiếu tính thuyết phục. Chúng tôi cho rằng áp lực bán sẽ còn tiếp diễn sang các phiên trong tuần tới, nên chúng ta tiếp tục thận trọng, hạn chế việc mua mới. Chúng tôi kỳ vọng ngưỡng hỗ trợ quanh mốc 1.230 điểm sẽ giúp VN-Index có sự đảo chiều tăng điểm trở lại.
Chỉ duy trì những mã chưa vi phạm ngưỡng cắt lỗ
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, rà soát lại danh mục cổ phiếu và chỉ duy trì những mã chưa vi phạm ngưỡng cắt lỗ, đồng thời giữ được biên độ sideway, hoặc thậm chí là zig zag đi lên đồng thời thu hút được lực cầu ổn định. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên hạn chế mua đuổi khi chưa có tín hiệu xác nhận rõ ràng về xu hướng của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Rủi ro xuyên thủng đáy ngắn hạn cần được lưu ý
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Tín hiệu đảo chiều sau khi chạm vùng kháng cự gần với sự xuất hiện của một mẫu nến phân phối đỏ đặc kéo dài, cho thấy rủi ro đang tăng lên. Tuy vậy, hoạt động phân phối ở vùng giá thấp tạm thời vẫn diễn ra trong mức độ kiểm soát khi thanh khoản chưa gia tăng đột biến.
Nhìn chung, lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì có thể giúp hãm lại đà rơi của VN-Index và mang lại cơ hội hồi phục phân hóa đối với một số mã dẫn dắt, nhưng rủi ro xuyên thủng đáy ngắn hạn và tiếp tục xu hướng điều chỉnh của VN-Index cần được lưu ý.
Sau khi hạ tỷ trọng nắm giữ về mức an toàn ở vùng kháng cự gần, nhà đầu tư có thể chờ mở lại một phần vị thế trading gối đầu tại các vùng hỗ trợ kế tiếp.
Tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực
Chứng khoán Asean
Thị trường có xu hướng tiếp diễn rung lắc củng cố lại mức cân bằng 1.258 điểm trong tuần qua. Diễn biến tỷ giá chững lại trong ba phiên gần đây và động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước đã hạ nhiệt đáng kể so với giai đoạn áp lực trước đó giúp tâm lý chung tích cực hơn.
Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao các diễn biến tiếp theo của tỷ giá, hành động của SBV đối với thanh khoản thị trường liên ngân hàng để định hình xu hướng thị trường rõ ràng hơn.
Mặt khác, chỉ số PMI tháng 10 vượt trên ngưỡng 50 giúp gia tăng kì vọng cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Chúng tôi duy trì quan điểm đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trung và dài hạn, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực, chờ đợi giải ngân khi các dấu hiệu xác nhận cân bằng xuất hiện và định giá về mức hấp dẫn.
VN-Index giằng co vùng 1.250 - 1.258 điểm
Chứng khoán SSI
VN-Index duy trì trong biên độ hẹp 1.250 - 1.268 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX duy trì trung tính, trong khi Ultimate Oscillator 14 nằm ở vùng thấp, gợi ý thị trường đang dần tiệm cận điểm quá bán. Dự kiến, chỉ số sẽ tiếp tục giằng co trong phạm vi 1.250 - 1.258 điểm.
Chỉ số khó thoát xu hướng giảm điểm
Chứng khoán Vietcap
Dự báo tuần sau, VN-Index khó có thể thoát khỏi quán tính giảm điểm và sẽ kiểm định lại đường MA200 (1.250 điểm). Vùng 1.265 - 1.270 điểm vẫn là kháng cự chủ đạo cho giai đoạn điều chỉnh hiện tại.
Chỉ số kết tuần dưới MA20 (đồ thị tuần) cho thấy cấu trúc tăng giá trung hạn đã mất, làm tăng khả năng vi phạm ngưỡng 1.250 điểm. Ngược lại, nếu tìm được lực mua mới quanh MA200, chỉ số sẽ thoát khỏi xu hướng giảm trung hạn, và khả năng này chỉ xảy ra khi lực cầu có sự đột biến đáng kể.
Quan sát diễn biến thị trường
Chứng khoán MAS
Mốc 1.250 điểm (MA200 ngày) đã thành công giúp VN-Index hồi phục trong tuần (28/10 - 1/11). Tuy nhiên, sau nhịp hồi phục ngắn, chỉ số lại đang quay trở lại vùng MA200 này, tương ứng với mức 1.251 điểm.
Qua quan sát diễn biến của 2 lần xảy ra sự việc tương tự trong năm, MAS nhận thấy VN-Index đều tạo 2 đáy tại vùng MA200 trước khi hồi phục. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát diễn biến lần này. Điểm số kỹ thuật ngắn hạn đang ở mức -4 điểm (tiêu cực).
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.