Với hướng tiếp cận mới, lãnh đạo Taxi Xanh SM tự tin sẽ tạo ra những thay đổi cho cả thị trường taxi.
Bỏ giá, chọn chất lượng
Ngày 27/3, theo chia sẻ từ một số tài xế, bảng giá cước của thương hiệu Taxi Xanh SM đã được hé lộ. Theo đó, giá mở cửa 1km đầu tiên là 20.000 đồng/km, từ km tiếp theo đến km thứ 25 là 15.500 đồng/km. Và từ km thứ 26 trở đi, giá cước chỉ còn 12.500 đồng/km.
Điều đáng chú ý, giá cước trên được cho là 1 trong những bảng giá cước của GSM. Bởi GSM sẽ sử dụng 3 dòng xe ở 3 phân khúc khác nhau gồm VF e34, VF 5Plus và VF8, và với mỗi phân khúc, mức giá sẽ khác nhau. Chưa rõ, bảng chi phí trên GSM sẽ áp dụng cho dòng xe nào.
Đại diện Vinfast thừa nhận có bảng giá trên, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin. Còn Tổng Giám đốc GSM cho biết chỉ công bố mức giá trước khi hoạt động chính thức.
Tuy nhiên, lấy bảng giá trên làm hệ quy chiếu, so sánh về mức giá bảng giá này với các hãng khác trên thị trường, thì giá cước của Taxi Xanh SM thấp hơn so với Mai Linh, Vinasun, nhưng vẫn cao hơn các hãng phổ thông như G7…
Cụ thể, Mai Linh, G7, Taxi Group đều có giá mở cửa từ 20.000 đồng/km; riêng của VinaSun và Vinataxi là từ 11.000 đồng cho 500m đầu tiên.
Mức giá cước cho những km tiếp theo có sự phân hóa, như Mai Linh, mức giá cước km tiếp theo đối với xe 4 chỗ nhỏ là 14.500 đồng/km, xe 4 chỗ lớn là 16.000 đồng/km và xe 7 chỗ là 17.000 đồng/km. Tại với G7, giá cước đối với Kia + GetZ + i10 + Mirage (5 chỗ) và xe Vios, Avante, Elantra, Accent, Kia Rio (5 chỗ) lần lượt là 14.500 đồng/km và 16.000/km, với xe Innova, Kia Carens (7 chỗ) là 17.500 đồng/km.
Tương tự tại VinaSun, mức giá đối với taxi 4 chỗ và 7 chỗ tại hãng này là 17.600 đồng/km và 19.600 đồng/km...
Với mức giá trên, có thể thấy giá cước các km tiếp theo của GSM đang thấp hơn một số hãng taxi truyền thống từ 500 - 2.100 đồng/km (tùy loại xe).
Đặc biệt, với km thứ 26 trở đi, giá cước của GSM còn thấp hơn Grab 500 đồng/km và rẻ hơn Taxi Group gần 2.000 đồng/km.
Tuy nhiên, lưu ý rằng, việc sử dụng taxi hiện nay, rất ít người dùng đặt xe chạy trên 20km. Nếu trên quãng đường đó, thường sẽ là xe chạy tuyến hoặc thỏa thuận. Do đó, trong quãng 20km, biểu giá taxi của GSM không có gì vượt trội.
Còn trong thị trường gọi xe công nghệ, GSM đảm bảo ổn định mức giá, không có hiện tượng phụ phí khiến giá tăng khó hiểu như của Grab hay các ứng dụng khác.
Thừa nhận sức cạnh tranh của biểu giá trên, ông Nguyễn Văn Thanh, CEO của GSM cho biết GSM đảm bảo sẽ kiểm soát chất lượng dịch vụ tốt nhất thông qua đội ngũ tài xế được đào tạo bài bản, hiếu khách và yêu nghề. Bên cạnh đó là chất lượng xe điện với các tính năng vượt trội như không ồn, không mùi, không khói bụi, tốt cho sức khoẻ, an toàn trong vận hành…
Mục tiêu là con người
Tuy mức giá không quá nổi trội, nhưng sự xuất hiện của GSM cũng khiến các hãng taxi truyền thống lẫn taxi công nghệ lo ngại, bởi chính sách đãi ngộ cho lái xe quá tốt.
Theo đó, từ 9/3, GSM đăng tin tuyển tài xế với ưu đãi lớn như mức lương 11 triệu đồng/tháng và 25% hoa hồng,… Tài xế taxi điện chỉ cần đóng cọc phụ phí trách nhiệm 8 triệu đồng (được hoàn lại khi chấm dứt hợp đồng lao động) và không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào khác. Ngoài ra, tài xế có thể lựa chọn hình thức là một tài xế nhận một xe hoặc 2 tài xế nhận chung 1 xe….
Với ưu đãi vượt trội trên, hàng ngàn tài xế tại Hà Nội đã đăng ký làm lái xe của GSM. Và với quy mô theo tuyên bố lên tới 10.000 xe, thì số lượng nhân sự mà GSM cần sẽ là rất lớn, thậm chí hút hết những tài xế đang chạy cho các hãng khác như Vinasun hay Mai Linh.
Đại diện một hãng xe công nghệ cũng cho biết đang theo dõi sát sao sự việc để có chính sách, chiến lược thích hợp trong thời gian tới.
Các hãng taxi truyền thống cũng phải cung cấp nhiều ưu đãi hơn cho lái xe của mình.
Ví dụ như Vinataxi áp dụng chính sách thưởng đặc biệt lên đến 3 triệu đồng cho tài xế hoặc nhân viên giới thiệu được xe thương quyền ký hợp đồng trong tháng 2 và tháng 3/2023. Các xe thương quyền ký hợp đồng hợp tác sẽ được miễn thu toàn bộ phí hợp tác trong 15 ngày đầu hợp đồng, bao gồm phí quản lý hàng ngày, phí sử dụng thiết bị và phí tiếp thị.
Hay hãng taxi Mai Linh cam kết thu nhập ổn định từ 10 triệu đồng/tháng/xe, tăng thu nhập khi kết hợp thực hiện dán quảng cáo trên xe, phí quản lý chỉ từ 23,5%...
Tuy nhiên, xét trên góc độ kinh doanh, giá cước không quá nổi bật, trong khi đó ưu đãi tài xế tốt, thêm các khoản chi phí truyền thông, tuyển dụng… thì mức chi phí của GSM bỏ ra sẽ là rất lớn.
Trong khi đó, GSM lại ra mắt trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khiến bài toán này càng khó hơn. TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định: “Việc doanh nghiệp đầu tư sang mảng taxi điện trong khi thị trường ô tô điện mới chỉ ở mức sơ khai sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, đơn cử như hạ tầng trạm sạc chưa hoàn thiện ảnh hưởng đến hiệu quả vận hành của xe. Bên cạnh đó, khả năng hạ lãi suất cho vay của ngân hàng từ nay đến cuối năm là rất khó. Doanh nghiệp vừa đầu tư mới, cộng thêm lãi suất cao chẳng khác nào gấp hai lần rủi ro”.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Anh Tùng, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP HCM, cho biết, mức độ thành công trong ngắn hạn thì có thể chiếm được thị phần vì là hãng xe Việt với nhiều khuyến mãi nhưng có thể bị triệt tiêu như một số xe công nghệ trước đây nếu cạn về tài chính.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng việc GSM nhanh chóng lấn sân sang taxi điện là muốn đẩy số lượng xe chưa bán được ra kinh doanh bằng hình thức cho thuê. Tuy nhiên, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng ủng hộ chương trình chuyển từ xe đốt trong sang xe điện, do đó Hiệp hội đề nghị có những chính sách để phát triển chương trình này.
Lý giải việc đưa taxi điện vào thị trường nhanh đến vậy, ông Nguyễn Văn Thanh Tổng giám đốc GSM cho biết là để khách hàng được trực tiếp trải nghiệm phương tiện xanh với giá cả hợp lí. Sau đó thay đổi thói quen để hướng tới cái đích chung là một môi trường giảm thiểu ô nhiễm.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhất trí rằng taxi điện sẽ tạo ra việc làm, tăng cạnh tranh khiến các bên phải đưa ra nhiều gói khuyến mãi để chiếm hoặc giữ vững thị phần, người hưởng lợi cuối cùng vẫn là người tiêu dùng.