Xe điện Trung Quốc, hay nói chung là hàng Trung Quốc, trước nay vẫn nổi trội với giá thành rẻ, sẽ tạo ra một cuộc đua chiếm lĩnh thị trường xe điện tại Việt Nam.
Cuộc đua xe điện tại Việt Nam đã khởi động
Thời điểm năm 2017 khi VinGroup thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh VinFast với định hướng sản xuất xe điện Made in Việt Nam, thị trường xe điện trên toàn thế giới cũng mới chỉ đang ở mức sơ khai, việc sở hữu xe điện đối với người dân Việt Nam vẫn là điều gì đó khá xa xôi.
Nhưng, VinFast sẽ không còn "cô đơn"...
Thông tin mới nhất, TMT Motors đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh SAIC-GM-Wuling để sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe điện thương hiệu Wuling tại thị trường Việt Nam.
Mẫu xe đầu tiên được hãng bán ra chính là HongGuang Mini EV - mẫu ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới 3 năm vừa qua. Dự kiến, mẫu xe này sẽ có giá khoảng hơn 200 triệu đồng và kỳ vọng trở thành ô tô quốc dân tại Việt Nam.
Ngoài ra, nhà máy của TMT Motors cũng đang được nâng cấp thêm để có thể lắp ráp Wuling HongGuang Mini EV, dự kiến công suất có thể đạt 30.000 xe/năm.
Một hãng xe Trung Quốc khác là Cherycũng xác nhận kế hoạch thâm nhập vào thị trường ô tô điện của Việt Nam. Trước mắt, hãng xe này sẽ phân phối dòng xe Omoda 5 với 3 phiên bản, giá bán từ 699 triệu đồng. Ngoài ra còn có các dòng như Tiggo 3X Plus và Arrizo 6. Trong đó, mẫu Tiggo 3X Plus cũng là một lựa chọn ô tô điện với giá siêu rẻ. Tại thị trường Trung Quốc, Tiggo 3X Plus được bán với giá khoảng 170 – 230 triệu đồng.
Về dài hạn, Chery sẽ tìm kiếm đối tác để mở nhà máy tại Việt Nam và tự thiết lập các đại lý để kinh doanh sản phẩm của mình.
Một thương hiệu xe điện khác là Skoda đến từ Cộng hòa Séc cũng thông báo đã thỏa thuận hợp tác cùng TC Motor (nhà phân phối xe Hyundai tại Việt Nam) để sản xuất và phân phối xe Skoda tại thị trường Việt Nam ngay trong năm 2023. Bước đầu, hãng sẽ nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu và bán các mẫu xe gồm: Kodiaq, Karoq, Superb và Octavia.
Skoda đã lên kế hoạch chi tiết để đánh chiếm thị trường xe điện Việt Nam khi dự tính năm 2024 sẽ lắp ráp 2 mẫu Kushaq và Slavia tại nhà máy Quảng Ninh, mở rộng danh mục thêm dòng xe điện Enyaq iV từ năm 2025.
Ngoài 3 hãng xe điện xác định sẽ phân phối xe điện tại Việt Nam, đầu năm 2023, BYD – một ông lớn khác trong sản xuất xe điện tại Trung Quốc cũng dự định xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện tại Việt Nam.
Nhà máy này sẽ sản xuất linh kiện để cung cấp cho nhà máy lắp ráp ô tô điện tại Thái Lan. Tuy nhiên, BYD cũng bỏ ngỏ khả năng gia nhập thị trường Việt Nam. Bởi thị trường Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là tiềm năng khi khối lượng xe ô tô tiêu thụ hằng năm lên tới 490.000 chiếc (số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam).
Giá cả, chất lượng và thương hiệu
Với dân số tăng nhanh, tầng lớp trung lưu mở rộng, người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường, Việt Nam hứa hẹn sẽ là thị trường chiến lược của xe ô tô điện, nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn chỉ có ít sự lựa chọn cho xe điện, khi hiện tại phân phối tại Việt Nam mới chỉ có các dòng VF8 và VF e34 của VinFast và một vài mẫu xe nhập khẩu khác như Hyundai Ioniq 5, Kia EV, Mercedes-Benz EQS, Porsche Taycan.
Tuy nhiên với mức giá tương đương với giá xe sử dụng nguyên liệu hóa thạch, nhưng bất tiện hơn khi di chuyển đường dài và đặc biệt là các vấn đề về thời gian sạc, hệ thống trạm sạc, các dòng xe này được dự báo sẽ gặp khó khi chiếm lĩnh thị trường.
Trong khi đó, với các dòng xe mini giá rẻ từ Trung Quốc, như Wuling HongGuang Mini EV, sẽ dễ tiếp cận với nhóm khách hàng bình dân, lấp vào khoảng trống thị trường tồn tại lâu nay giữa xe máy tay ga có giá cao nhất và ô tô mới có giá thấp nhất trên thị trường (vùng giá 150 – 250 triệu).
Nếu thành công, các mẫu xe này chắc chắn sẽ tạo ra một xu hướng di chuyển mới bằng ô tô điện mini, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sử dụng từ xe máy sang ô tô, đặc biệt là ô tô điện tại Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề của các dòng xe từ Trung Quốc là niềm tin của người tiêu dùng. Thực tế xe ô tô giá rẻ của Trung Quốc vào Việt Nam đã từ lâu cùng với những thương hiệu trên như các dòng Lifan 520, Chery QQ3, BYD F0…
Nhưng chất lượng các dòng xe của Trung Quốc luôn bị người tiêu dùng đặt dấu hỏi, bởi “kinh nghiệm” từ những “xe Tàu”, “wave Tàu” với chất lượng thượng vàng hạ cám những năm 2000.
Về góc độ người tiêu dùng, làn sóng “wave Tàu” những năm 2000 đã giúp thị trường xe máy Việt Nam nở rộ và tăng quy mô cực kỳ nhanh, dần định hình nên xu hướng phát triển giao thông của Việt Nam trong gần 20 năm nay.
Tuy nhiên đối với những hãng sản xuất như Honda, Yamaha… làn sóng này đã là một đòn đánh mạnh vào các chiến lược của hãng. Thị phần của Honda sụt giảm từ 35% xuống chỉ còn 17% dù thị trường xe máy tại Việt Nam tăng trưởng kỷ lục lên tới 300% vào năm 2000
Quay trở lại với xe ô tô điện, thị trường tại Việt Nam hiện nay cũng tương đương với thị trường xe máy những năm 2000: Đều ở mức sơ khai và chưa có nhiều phân khúc cho thị trường.
Sự "đánh chiếm" của những dòng xe điện giá rẻ từ Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tạo nên một xu hướng giao thông mới như xe máy giá rẻ những năm 2000.
Kéo theo đó là hàng loạt nhà xưởng sản xuất, gia công, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất xe điện. Và thực tế là Huyndai Thành Công, Thaco Trường Hải đều đã liên doanh với nước ngoài để sản xuất xe điện.
Tới lúc đó, không khó để nhìn ra sức ép từ thị trường lên VinFast – doanh nghiệp Việt đầu tư bài bản để sản xuất xe điện thương hiệu Made in Việt Nam.
Bên cạnh những doanh nghiệp liên doanh với hãng xe nước ngoài để gia công lắp ráp như Huyndai Thành Công, Thaco Trường Hải, thương hiệu Việt duy nhất trước VinFast dám quyết tâm sản xuất ô tô là Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên. Nhưng hiện nay, Vinaxuki đã phá sản.