Trong đó, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà là người trả lời chính về quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp cư trú; công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, việc di dời trụ sở bộ ngành ra khỏi nội đô TP. Hà Nội.
Có thể thấy, một trong những vấn đề “nóng” hiện nay của ngành xây dựng là công tác quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị.
Báo cáo trước của Bộ Xây dựng cho hay, công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng, kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa công trình vào khai thác sử dụng theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành đã đi vào nề nếp, góp phân tích cực nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành xây dựng đã kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật về xây dựng hoặc không tuân thủ các quy định về quản lý chi phí, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Một số công trình xây dựng (chủ yếu ở công trình có quy mô nhỏ, các công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách do tư nhân quản lý) chưa tuân thủ đầy đủ việc kiểm soát chất lượng theo quy định.
Một số chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết sẽ chất vấn "tư lệnh" ngành xây dựng về có hay không "cơ chế xin cho", "lợi ích nhóm" trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Các công trình xây vượt tầng, sai phép xây dựng băm nát quy hoạch đô thị hay tình trạng phạt cho tồn tại các công trình vi phạm trật tự xây dựng... cũng được các đại biểu quan tâm, dư luận bức xúc.
Bộ trưởng Xây dựng cũng phải trả lời về quản lý thị trường bất động sản, xử lý bất cập trong quản lý nhà chung cư, căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú, biệt thự du lịch.
Dư luận cho rằng một số ban, ngành và địa phương đang cố tình "lái" vấn đề đi lệch bản chất của căn hộ dịch vụ nhằm tạo ra lợi ích cho một nhóm chủ đầu tư. Đất xây dựng condotel, officetel, resort villa là đất dịch vụ, thương mại nên không thể biến nó thành đất ở để bán giá cao.
Ngoài ra, ông Phạm Hồng Hà cũng đối diện với chất vấn việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội. Phương án được đề xuất là bố trí các cơ quan tại hai khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì; trong đó 20 ha tại Tây Hồ Tây bố trí 6 bộ, ngành; khu vực Mễ Trì Hạ diện tích 55 ha sẽ bố trí 7 cơ quan.
Dự kiến, việc chuyển đổi 13 cơ quan cần 17.000 tỷ đồng; trong đó vốn chuyển đổi cơ sở cũ 12.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước 5.000 tỷ đồng. Hiện, dư luận quan tâm việc phương án tài chính huy động từ khai thác quỹ đất cũ của các trụ sở bộ, ngành tại nội đô cao nhất cũng chỉ gần 7.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.