Chính thức khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về “Môi trường và Kỹ thuật điện - châu Á 2023"

Hội thảo khoa học quốc tế về “Môi trường và Kỹ thuật điện - châu Á 2023" lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á là nơi kết nối thiết lập hợp tác, hội tụ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đào tạo và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững...

Sáng nay (13/11), hội thảo khoa học quốc tế về “Môi trường và Kỹ thuật điện - Châu Á 2023” (2023 Asia Meeting on Environment and Electrical Engineering (EEE-AM 2023)) đã chính thức được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Hội thảo do Trường Đại học Điện lực phối hợp cùng Hội Kỹ sư Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronics Engineers - IEEE) tại Việt Nam và Hiệp hội Ứng dụng công nghiệp IEEE (IEEE Industry Applications Society - IEEE IAS) đồng tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Đinh Văn Châu, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết thêm, EEE-AM 2023 là một phần của chuỗi Hội thảo Quốc tế thường niên về Môi trường và Kỹ thuật Điện (IEEE EEEIC) và lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á.

Đây là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự hội tụ của những tâm huyết và nỗ lực của Trường Đại học Điện lực cũng như các đơn vị hợp tác, các đối tác trên toàn cầu nhằm hướng tới xây dựng một tương lai bền vững cho hệ thống năng lượng và môi trường.

PGS. TS. Đinh Văn Châu khẳng định: “Hội thảo diễn ra là điểm hẹn, là sự kết nối thiết lập hợp tác, là nơi hội tụ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đào tạo và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững. Hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin, vừa là tinh thần và trách nhiệm của chúng ta đối với vấn đề chuyển dịch năng lượng và môi trường”.

PGS. TS. Đinh Văn Châu, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực phát biểu khai mạc hội thảo

Cũng theo PGS. TS. Đinh Văn Châu, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với tốc độ ngày càng nhanh và được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Đông Nam Á, việc đổi mới và phát triển các công nghệ năng lượng tiên tiến trong tương lai chính là chìa khóa, là giải pháp cho những thách thức mà chúng ta đang đối mặt trong vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nóng lên toàn cầu...

Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cũng cho rằng, phát triển công nghệ năng lượng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, làm nền tảng hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, phát triển bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài, là nhiệm vụ chiến lược không chỉ đối với Việt Nam mà thu hút sự quan tâm của toàn thể các quốc gia trên thế giới.

“Xác định vai trò của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn chính sách, chuyển giao tri thức, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, góp phần xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Do đó trong thời gian qua, Trường Đại học Điện lực đã khẳng định vai trò của mình thể hiện qua các kết quả nghiên cứu khoa học với hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, nhiều công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực năng lượng được công bố trên các tạp chí, hội nghị khoa học uy tín trong và ngoài nước, đổi mới chương trình đào tạo cũng như các chương trình, hoạt động xúc tiến hợp tác quốc tế”, PGS. TS. Đinh Văn Châu nói.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái

Có mặt tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đánh giá, EEE-AM 2023 sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng cho các nhà quản lý hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng; tạo cơ hội trao đổi, giới thiệu, cập nhật những thông tin công nghệ mới trong và mở rộng hợp tác quốc tế lĩnh vực năng lượng nói chung và chuyển đổi năng lượng nói riêng.

"Thông qua hội thảo, ngoài việc thảo luận những vấn đề chuyển đổi năng lượng, năng lượng mặt trời và lưới điện thông minh, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến thảo luận của những chuyên gia, doanh nghiệp để nhận diện, tháo gỡ những tồn tại, xác định nhu cầu thực tế cũng như đánh giá tính khả thi, tính ứng dụng, tính phù hợp và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Từ đó làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác xây dựng chính sách cũng như thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ sau này", Thứ trưởng Trần Hồng Thái nêu.

Thứ trưởng cũng đề nghị ban tổ chức tổng hợp các định hướng, phương hướng, kiến nghị để triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới; Khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức và doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ lĩnh vực năng lượng thông qua các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được phê duyệt, đặc biệt là Chương trình KC.05/21-30 nhằm giúp phát triển ngành năng lượng Việt Nam nói riêng và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nói chung...

Theo ban tổ chức, hội thảo khoa học quốc tế về “Môi trường và Kỹ thuật điện - châu Á 2023 EEE-AM 2023” là một diễn đàn quốc tế nhằm trao đổi ý tưởng và thông tin về các hệ thống năng lượng.

Hội thảo mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất, những người làm trong ngành năng lượng và các nhà nghiên cứu ở trường đại học cùng thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến hệ thống năng lượng và các vấn đề môi trường. Nhận thức ngày càng tăng về các mối quan tâm về môi trường và các nỗ lực quốc tế chuyên sâu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích đưa ra những đóng góp tốt nhất để đạt được các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là đa dạng hóa năng lượng tái tạo và phát triển bền vững.

Hội thảo sẽ diễn ra trong 3 ngày (13-15/11). Trong khuôn khổ hội thảo cũng sẽ giới thiệu các sản phẩm công nghệ và kết quả nghiên cứu khoa học của Nhà trường và các đơn vị tham gia hội thảo.

Chủ đề chính của hội thảo là “Môi trường và kỹ thuật điện hướng tới chuyển dịch năng lượng”, cùng các chủ đề sau: Chính sách năng lượng, thị trường điện và các quy định, tiêu chuẩn; Năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ; Hệ thống điện và lưới điện thông minh; Hệ thống tích hợp các nguồn năng lượng; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tòa nhà thông minh và thành phố thông minh; Mạch điện, cảm biến và cơ cấu chấp hành; Vật liệu và công nghệ Nano trong kỹ thuật năng lượng…

Có thể bạn quan tâm