“Chủ soái” Dương Công Minh toan tính gì ở “ván cờ” Sacombank?

“Thay máu” dàn lãnh đạo cấp cao, tích cực gom cổ phiếu STB, rời sàn HoSE… là những động thái quyết liệt của ông Dương Công Minh khi nắm quyền tại Sacombank. Còn khối nợ xấu bất ngờ tăng vọt lên 16.488
“Chủ soái” Dương Công Minh toan tính gì ở “ván cờ” Sacombank?

Liệu Sacombank có đường hướng hay xin “cơ chế đặc biệt” để xử lý hiệu quả khối nợ xấu gần 16,5 nghìn tỷ đồng?

Khi ngân hàng đổi chủ…

Sacombank trong vòng 5 năm trở lại đây chưa từng một ngày lặng sóng!

Cuộc chiến thâu tóm quyền lực tại đây đã từng rất nóng bỏng giữa các nhóm cổ đông có liên quan tới Eximbank, SouthernBank và LienvietPostBank... từ trước năm 2012. Đến giờ, khi SouthernBank bị xoá sổ, Eximbank phải tái cơ cấu tổng thể thì nhóm cổ đông xuất phát từ LienvietPostBank lại “lộ diện” với những toan tính đường xa hơn.

Hồi tháng 5/2017, ông Nguyễn Đức Hưởng đã từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT LienvietPostBank để chạy đua vào HĐQT của Sacombank, song bất ngờ rút lui vào phút cuối. Ông Hưởng trở lại nắm ghế Chủ tịch LienvietPostBank thay cho ông Dương Công Minh – Chủ tịch Tập đoàn Him Lam từ nhiệm, để ứng cử vào HĐQT Sacombank. Đồng thời, Him Lam chính thức chia tay LienvietPostBank khi thoái hết 15% vốn cổ phần.

Mối quan hệ khăng khít giữa “cặp đôi” lãnh đạo này khiến thị trường dấy lên đồn đoán về khả năng sáp nhập hai nhà băng này? Song lãnh đạo hai nhà băng lập tức lên tiếng bác bỏ tin này. 

ĐHCĐ thường niên ngày 30/6/2017 chính thức ghi dấu ấn của “chủ soái” Him Lam- Dương Công Minh khi trở thành tân Chủ tịch HĐQT Sacombank nhiệm kỳ 2017-2021. Từ đây, Sacombank lại tiếp tục biến động khiến các cổ đông, nhà đầu tư của Sacombank vẫn chưa thể yên lòng.

Sau khi nắm quyền lực cao nhất tại Sacombank, ông Dương Công Minh tiếp tục mua thêm 18 triệu cổ phiếu STB, nâng sở hữu tại đây lên 3,15% vốn điều lệ ngân hàng. Trước đó, ông Minh đã sở hữu hơn 41,3 triệu cổ phiếu STB, chiếm 2,19% vốn điều lệ.

Trong cơ cấu cổ đông Sacombank, hiện chỉ có một cổ đông lớn – Eximbank nắm sở hữu 8,76% vốn điều lệ Sacombank. Ngoài ra, Công ty CP đầu tư Sài Gòn Eximbank sở hữu 3,49% cổ phần, CTCP Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu sở hữu 2,09% và Market Vector Vietnam ETF nắm 2,05%...

Tính đến 30/6/2017, nhóm cổ đông Trầm Bê và các thành viên gia đình vẫn sở hữu tổng cộng 197,3 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 10,46% vốn điều lệ Sacombank. Trong đó, ông Trầm Trọng Ngân (con trai ông Trầm Bê) nắm 4,73% cổ phần STB… Nhưng từ năm 2016, nhóm cổ đông Trầm Bê đã uỷ quyền (không huỷ ngang) cho Ngân hàng Nhà nước/người được chỉ định toàn bộ cổ phần sở hữu ở cả hai ngân hàng trước và sau sáp nhập SouthernBank và Sacombank. Quyền lực điều hành Sacombank đã quy về một mối. 

Tháng 9 vừa qua, ông Trầm Bê và Phan Huy Khang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sacombank (sở hữu 22,48 triệu cổ phiếu STB, tỷ lệ 1,19%) cùng bị truy tố vì sai phạm liên quan trong vụ án Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Cơ quan điều tra xác định, ông Trầm Bê trực tiếp chỉ đạo cấp dưới cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng. Cả hai lãnh đạo này đã lần lượt bị miễn nhiệm, không còn điều hành.

Hàng loạt nhận sự mới trong Ban điều hành, ban kiểm soát… được bổ nhiệm, thay thế dưới thời điều hành của Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh.

Quyền điều hành Sacombank đã được quy về tập trung cùng với việc sắp xếp bộ máy nhân sự mới, thì cổ đông đang chờ đợi HĐQT sẽ có những quyết sách mới để đưa Sacombank trở lại thời hoàng kim.

Điều gì sau toan tính rời sàn HSX?

Ngay sau khi 400 triệu cổ phiếu STB (hoán đổi cổ phần SouthernBank) được niêm yết bổ sung, HĐQT Sacombank đã xin ý kiến cổ phần về việc rời sàn từ HSX sang HNX, đổi mã cổ phiếu SCM. Đây là điều đi ngược lại xu hướng niêm yết và khá lạ khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm dẫn dắt thị trường chứng khoán bứt tốc?

Sau thông tin này, giá cổ phiếu STB đã giảm sâu xuống mức 11.450 đồng/CP (-13,2% trong vòng 2 tháng qua). Trước đó, STB có thời điểm giảm về dưới mệnh giá chỉ 7.400 đồng/CP do ảnh hưởng tiêu cực từ việc nhận sáp nhập SouthernBank-ngân hàng yếu kém, có nợ xấu lớn. Với quy mô vốn hơn 18,85 nghìn tỷ đồng, Sacombank sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường tài chính và mỗi biến động giá cổ phiếu STB sẽ tác động trực tiếp tới chỉ số VN30 và VN-Index.

Hơn nữa, việc rời sàn HSX sẽ khiến cổ phiếu STB không còn nằm trong danh mục VN30 và đối mặt với áp lực bán ra mạnh của các quỹ đầu tư… 

Gần đây, cổ đông liên tục nhận những thông tin kém lạc quan về khối nợ xấu “khủng” của Sacombank hậu sáp nhận.

Theo BCTC kiểm toán quý 2/2017, tổng số nợ xấu đã tăng thêm 19%, từ 13.902 tỷ đồng lên 16.488 tỷ đồng và chiếm 7,54% dư nợ. Riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh từ 8.415 tỷ đồng lên 11.305 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 197.249 tỷ đồng dư nợ đủ tiêu chuẩn có khoảng 4.630 tỷ đồng là dư nợ của các khoản vay nằm trong Đề án tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Nợ xấu tăng mạnh khiến cho lợi nhuận của ngân hàng bị ảnh hưởng, chỉ đạt hơn 464 tỷ đồng…

Sacombank đã bán thêm 1.620 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC nâng giá trị trái phiếu VAMC lên 38.758 tỷ và đã thực hiện trích lập dự phòng 1.674 tỷ đồng. Còn nhớ, khi SHB nhận sáp nhập lại nhà băng yếu kém Habubank, ngân hàng đã bị “kéo lùi” kết quả kinh doanh suốt nhiều năm liền. Trong đó, vài nghìn tỷ nợ xấu của nhóm khách hàng Vinashin, Vinalines… chuyển giao sang SHB đã phải khoanh lại, xin “cơ chế riêng” để xử lý.

Trong nhiệm kỳ HĐQT mới dưới sự điều hành của ông Dương Công Minh, liệu Sacombank có đường hướng hay xin “cơ chế đặc biệt” để xử lý hiệu quả khối nợ xấu gần 16,5 nghìn tỷ đồng này? Và trong khi chưa xử lý được các khoản nợ xấu của nhóm khách hàng Trầm Bê và SouthernBank thì Sacombank vẫn phải tốn kém chi phí trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận sẽ bị “hao hụt” đáng kể.

>> Sacombank: Sau soát xét, nợ xấu tăng vọt lên 11.305 tỷ đồng, lợi nhuận tăng thêm 10%

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...