Tỷ lệ tán thành cho các vấn đề được thảo luận và biểu quyết tại Đại hội đều đạt hơn 98 %.
Năm 2017, ACB đặt mục tiêu tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 2.205 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với năm ngoái; tổng tài sản, tín dụng và huy động đều có mức tăng trưởng được đưa ra là 16%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; tiếp tục hoàn thiện mô hình kinh doanh hiệu quả; tập trung vào các phân đoạn khách hàng mục tiêu; nâng cao tính sáng tạo, đột phá ở các dự án ứng dụng công nghệ kỹ thuật số; giải quyết dứt điểm các tồn đọng cũ theo phương án và lộ trình đã định; quản trị, điều hành Ngân hàng theo các chuẩn mực tốt nhất của quốc tế và phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Ban Lãnh đạo ACB kỳ vọng kết thúc năm, ACB sẽ thực hiện xong các nền tảng cơ bản và quan trọng cho giai đoạn tăng trưởng bền vững ở những năm tiếp theo.
"Ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB chia sẻ, ACB đã và đang trở lại đúng quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Mục tiêu chiến lược của ACB đến năm 2018 là xác lập vị thế dẫn đầu trên năm lĩnh vực: Định hướng khách hàng, quản lý rủi ro, kết quả tài chính bền vững, hiệu quả hoạt động và đạo đức kinh doanh.
ACB sẽ chủ động tiếp cận công nghệ tài chính ở mức độ sâu và rộng hơn để đón đầu xu hướng trong tương lai; tăng cường khả năng cạnh tranh của ACB ở bình diện rộng hơn – đó là các đối thủ cạnh tranh phi truyền thống không phải là ngân hàng từ sự tác động của kỷ nguyên công nghệ.
ACB cũng cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh xử lý, thu hồi nợ xấu trong năm nay. Liên quan đến các khoản nợ nhóm G6 - khoản nợ cho vay từ 6 công ty liên quan bầu Kiên, đến nay nợ xấu sau trích lập dự phòng là 1.500 tỷ đồng. Năm 2016, ngân hàng đã thu nợ được 3.000 tỷ và trích lập 1.115 tỷ đồng.
Theo lộ trình, năm nay ngân hàng sẽ tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập thì sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi dứt điểm, thay vì theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt vào cuối năm 2018. Theo ACB, thời điểm 31/12/2015, tổng nợ xấu của nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên là gần 5.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay gần 1.900 tỷ, số dư trái phiếu 2.700 tỷ đồng và các khoản phải thu khác gần 1.200 tỷ. Theo lộ trình thu hồi nợ đã được phê duyệt năm 2015, các số dư của nhóm 6 công ty sẽ được thu hồi hàng năm, với số tiền lần lượt 814 tỷ, 2.200 tỷ, 1.816 tỷ và 1.000 tỷ đồng bắt đầu từ năm 2015, kết thúc vào 2018. Tuy nhiên, với kết quả đạt được hiện nay, khả năng khoản nợ sẽ được xử lý xong trong năm 2017.
Đánh giá về tình hình hoạt động và năng lực nội tại của ACB, ông Nguyễn Văn Dũng – Cục trưởng Cục thanh tra Giám sát Ngân hàng TP.HCM cho rằng, các chỉ tiêu đều tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, tăng hơn bình quân so với trung bình ngành; (ii) hệ số an toàn vốn cao, đáp ứng được tiêu chí về thanh khoản, chứng tỏ rất chú trọng đến vấn đề an toàn trong hoạt động; (iii) tình hình xử lý nợ xấu tốt và có giải pháp để kiểm soát, hạn chế ngăn chặn phát sinh nợ xấu mới; (iv) cơ bản hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu, đúng mục tiêu lộ trình, đúng biện pháp.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng tăng 16%, lên 234 nghìn tỷ đồng. Tổng tiền gửi khách hàng tăng 18%, lên 207 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 21%, lên 163 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đạt 0,88%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,19%. Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng rủi ro đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước đó.