Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB – mã chứng khoán: ACB) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng. Động thái của ACB diễn ra nhằm thực hiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Theo đó, ngân hàng ACB đang có 2 cổ đông cá nhân và 3 cổ đông là tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng. Danh sách được cập nhật vào ngày 30/7/2024 dựa trên thông tin các cổ đông cung cấp.
Cụ thể, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB đang sở hữu hơn 153 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 3,427%. Số cổ phần sở hữu của người có liên quan đến ông Huy là 367 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ là 8,218%. Như vậy, ông Trần Hùng Huy và nhóm người có liên quan đang sở hữu hơn 520 triệu cổ phiếu, tương đương gần 12% vốn điều lệ tại ACB.
Về phía cổ đông cá nhân còn có bà Đặng Thu Thuỷ, Thành viên Hội đồng quản trị cũng đang nắm 53,3 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tỷ lệ sở hữu là 1,194%. Được biết, bà Thủy chính là mẹ của ông Trần Hùng Huy. Tỷ lệ sở hữu của người có liên quan đến bà Thuỷ là 10,457%.
Bên cạnh đó, ba tổ chức ngoại là Smallcap World Fund, Inc., Boardwalk South Limited và VOF PE Holding 5 Limited nắm giữ lần lượt hơn 112 triệu cổ phiếu, 82,3 triệu cổ phiếu và 76,6 triệu cổ phiếu ACB, tương đương tổng tỷ lệ sở hữu là hơn 6% vốn điều lệ của ngân hàng.
Đáng chú ý, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của ACB, có tới 3 tổ chức có tỷ lệ sở hữu trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng có liên quan đến ông Trần Hùng Huy gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Giang Sơn nắm 80,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 2,07%; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Vân Môn nắm gần 44,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 1,14%; Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bách Thanh nắm gần 55,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 1,44%.
Ngoài ra, bà Đặng Thu Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, người có liên quan của bà Đặng Thu Thủy sở hữu 46,1 triệu cổ phiếu, tương đương 1,19% vốn của ngân hàng.
Các doanh nghiệp và cá nhân bà Đặng Thu Hà chưa được nêu trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% của ngân hàng.
Mới đây, ngân hàng ACB đã công bố kết quả lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 10.500 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận quý 2 đạt 5.600 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với quý trước và tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của ACB.
ACB ghi nhận tăng trưởng tín dụng 12,4%, cao hơn mức trung bình toàn hệ thống (6%), với cho vay cá nhân tăng 12,3%, cho vay SME tăng 7,2%, và cho vay doanh nghiệp tăng 37,6%.
Về tiền gửi, ACB tăng trưởng 6,2%, vượt mức trung bình toàn hệ thống (2%), và tỷ lệ CASA giữ ở 22,3%. Tỷ lệ cho vay/huy động đạt 82,2%, cao hơn mức trung bình ngành (78,7%).
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/7, thị giá cổ phiếu ACB hiện đang ghi nhận ở mức 24.150 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của ngân hàng trên thị trường ước đạt 107.870 tỷ đồng.
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Tính đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ ngân hàng ACB, mới chỉ có ngân hàng OCB, Eximbank, VPBank, MSB, BVBank, LPBank và MB Bank đã công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.