Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 với thu nhập lãi thuần đạt 1.511 tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ.
Ngược lại, các khoản thu ngoài lãi hầu hết đều ghi nhận sụt giảm. Trong đó, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 33,4%, về mức 123 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 4,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4,4 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ gần như không biến động so với cùng kỳ, đạt 124,6 tỷ đồng trong quý 2/2024.
Tuy nhiên, Eximbank ghi nhận khoản lãi từ hoạt động khác tăng gấp 2,9 lần, lên hơn 213 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động dịch vụ đạt 260,1 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ quý 2/2023. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 24,1% lên mức 220,6 tỷ đồng.
Kết quả, Eximbank báo lãi trước thuế đạt 813,2 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 642,8 tỷ đồng, đồng loạt tăng 52,1% so với quý 2/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Eximbank thu về 2.869 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng 4,9%, lên mức 1.474 tỷ đồng.
Trong năm 2024, Eximbank lên kế hoạch lãi trước thuế 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với kết quả đạt được trong năm 2023. Như vậy, với kết quả trên, ngân hàng mới thực hiện được 28,4% mục tiêu lợi nhuận sau nửa năm.
Tính đến hết tháng 6/2024, tổng tài sản của Eximbank đạt mức 211.999 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,7% lên mức hơn 151.327 tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng cũng đạt 163.051 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng nợ xấu của Eximbank ở mức 4.002 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Về cơ cấu nợ xấu, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) đạt 431,2 tỷ đồng, giảm 3,4%. Nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm 33,6% về mức 938,3 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh lên 2.632 tỷ đồng, tương ứng tăng 40,9% so với thời điểm cuối năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 30/7, cổ phiếu EIB đóng cửa ở mức 18.250 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hoá của ngân hàng trên thị trường đạt khoảng 31.770 tỷ đồng.
Một thông tin đáng chú ý khác, mới đây Eximbank vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo đó, ngân hàng này hiện có 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngày 1/7/2024. Về phía các cổ đông tổ chức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) đang là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này khi sở hữu 4,9% vốn điều lệ.
Hai cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (mã chứng khoán: VIX) sở hữu 3,58% vốn và Công ty Cổ phần Thắng Phương sở hữu 3,07% vốn.
Hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này bao gồm là bà Lê Thị Mai Loan ( sở hữu 1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú (sở hữu 1,12% vốn). Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là Cựu Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank.
Như vậy, 5 cổ đông này hiện đang nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.
Liên quan đến ngân hàng này, trước đó Eximbank đã thông qua nghị quyết về việc chi trả cổ tức năm 2023. Theo đó, cổ đông Eximbank sẽ nhận được cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ 10%.
Với phương án trả cổ tức bằng tiền mặt, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 300 đồng, tương ứng tỷ lệ 3%. Với hơn 1,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Eximbank sẽ phải chi gần 522,3 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức trên.
Với phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu, Eximbank dự kiến phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:7, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 7 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024. Sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ nâng lên mức 18.688 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau 10 năm Eximbank thực hiện chia cổ tức tiền mặt. Lần gần nhất là vào năm 2014, Eximbank chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 4%, tương đương 400 đồng/cổ phiếu.