Từ 1/7, những trường hợp nắm giữ cổ phần vượt quy định Luật Các tổ chức tín dụng sẽ bị xử lý ra sao?

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được sửa đổi và bổ sung nhằm đánh giá, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa thông tin và giám sát của đại chúng… từ đó giúp hệ thống tổ chức tín dụng an toàn hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Từ 1/7, những trường hợp nắm giữ cổ phần vượt quy định Luật Các tổ chức tín dụng sẽ bị xử lý ra sao?

Theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 1% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

Đáng chú ý, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ một tổ chức tín dụng. Tỷ lệ sở hữu của tổ chức tại ngân hàng được điều chỉnh từ không vượt quá 15% trước đó xuống còn 10% vốn điều lệ ngân hàng.

Với cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó, Luật mới quy định không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ, giảm từ tỷ lệ 20% trước đó. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng khác.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ không áp dụng các quy định như trên mà sẽ theo phê duyệt của Chính phủ.

Thực hiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, thời gian qua đã có nhiều ngân hàng thương mại công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Điều đáng nói là, ở một số ngân hàng, với Luật trước đó, tỷ lệ sở hữu của các tổ chức đang nằm trong "khung" dưới 15%, hoặc các cổ đông và người có liên quan đang sở hữu dưới 20%. Sau khi Luật mới áp dụng, tỷ lệ này điều chỉnh giảm khiến nhiều tổ chức, cổ đông và người có liên quan bị vượt tỷ lệ sở hữu giới hạn.

Điều này đặt ra nhiều nghi vấn, những trường hợp vượt tỷ lệ sở hữu theo quy định sẽ phải xử lý ra sao?

Trao đổi với Thương Gia, nhiều luật sư cho hay, theo quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng, từ ngày 1/7/2024 các trường hợp cổ đông và người có liên quan đang có tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần quy định mới thì vẫn được tiếp tục duy trì cổ phần.

Tuy vậy, các cá nhân, tổ chức này cũng sẽ không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% đối với cá nhân và 10% đối với tổ chức và 15% đối với cổ đông và người có liên quan. Điều này được quy định tại Khoản 11 Điều 210 Luật các tổ chức tín dụng 2024 mục điều khoản chuyển tiếp.

Điểm đáng chú ý của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là yêu cầu về quy định công bố thông tin cổ đông sở hữu 1% vốn điều lệ, định nghĩa nhóm liên quan, cũng như trần tỷ lệ sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng. Cụ thể hơn, cổ đông và người có liên quan được phép nắm giữ 15% thay vì 20% như luật trước. Trường hợp nhóm này đã sở hữu cổ phần theo quy định trước ngày 1/7, vẫn được duy trì nhưng không được phép tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 được sửa đổi và bổ sung nhằm đánh giá, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, minh bạch hóa thông tin và giám sát của đại chúng… từ đó giúp hệ thống tổ chức tín dụng an toàn hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khoản 11 Điều 210 Luật các tổ chức tín dụng 2024 quy định như sau:

Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này được tiếp tục duy trì cổ phần nhưng không được tăng thêm cổ phần cho đến khi tuân thủ quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần theo quy định của Luật này, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.​

Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông lớn, một cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng vượt tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 của Luật này trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục duy trì tỷ lệ sở hữu cổ phần phù hợp với quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 55 của Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 17/2017/QH14".

Xem thêm

Loạt doanh nghiệp và cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại các ngân hàng thương mại

Loạt doanh nghiệp và cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại các ngân hàng thương mại

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%...

Có thể bạn quan tâm

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...