Loạt doanh nghiệp và cá nhân sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại các ngân hàng thương mại

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cũng giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức (gồm cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) từ 15% xuống 10%...

9900-1676340231-ngan-hang-dautuvakinhdoanh-9933.jpeg

Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, các ngân hàng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, còn rất nhiều ngân hàng chưa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên.

VPBANK CÓ 13 CỔ ĐÔNG CÁ NHÂN NẮM TỪ 1% VỐN ĐIỀU LỆ

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Đây là ngân hàng đầu tiên công khai danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo đó, tính đến ngày 19/7, có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu, tương đương 64,2% vốn điều lệ của VPBank. Danh sách cổ đông cá nhân gồm có các thành viên Hội đồng quản trị và những người liên quan.

Trong đó, danh sách cổ đông cá nhân bao gồm nhóm liên quan tới ông Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank, nắm 328,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,141% vốn) là bà Hoàng Anh Minh (vợ ông Dũng, nắm 326,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,118% vốn), bà Vũ Thị Quyên (mẹ ông Dũng, nắm 325,9 triệu cổ phiếu, tương được 4,107% vốn).

Tổng cộng, ông Dũng và người liên quan sở hữu 33,648% vốn của VPBank. Vào cuối năm 2023, tỷ lệ này là hơn 14%.

Nhóm liên quan tới ông Bùi Hải Quân (Phó Chủ tịch VPBank, nắm 156,3 triệu cổ phiếu, tương đương 1,97% vốn điều lệ) gồm bà Kim Ngọc Cẩm Ly (vợ ông Quân, nắm 286,6 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,61% vốn). Tổng cộng hai người sở hữu 5,59% vốn của VPBank.

Trong khi đó, nhóm cổ đông liên quan tới ông Lô Bằng Giang (Phó Chủ tịch VPBank) có bà Lý Thị Thu Hà (mẹ ông Giang, nắm 282,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,61% vốn) và bà Nguyễn Thu Thủy (vợ ông Giang, nắm 203,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,56% vốn). Ông Giang nắm chưa tới 1% và không xuất hiện trong danh sách.

Trong danh sách cổ đông cá nhân của VPBank còn có ông Nguyễn Đức Vinh (Tổng Giám đốc VPBank, nắm 104,9 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,32% vốn điều lệ). Tổng số cổ phiếu mà ông Vinh và người liên quan nắm tương ứng 2,88% vốn của VPBank.

Ngoài ra, trong danh sách cổ đông cá nhân của VPBank còn có những cái tên không xuất hiện trong Hội đồng quản trị, Ban Điều hành hay Ban Kiểm soát của VPBank. Đó là ông Trần Ngọc Trung (nắm 305,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,85% vốn), bà Trần Ngọc Lan (năm 309,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,9% vốn), ông Lê Việt Anh (nắm 280 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,53% vốn), bà Lê Minh Anh (nắm 214,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,71% vốn) và ông Nguyễn Mạnh Cường (nắm 111,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,45% vốn).

Như vậy, các cổ đông cá nhân đang sở hữu 3,24 tỷ cổ phiếu, hay 40,8% vốn điều lệ của VPBank.

Ngoài 13 cổ đông cá nhân, danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của VPBank còn có 4 cổ đông tổ chức. Dẫn đầu về sở hữu của nhóm cổ đông tổ chức là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) là cổ đông chiến lược của VPBank, nắm gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ. Ngoài ra, Công ty Cổ phần DIERA (có liên quan tới Chủ tịch VPBank) đang nắm 348,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,39% vốn điều lệ.

Ngoài ra còn có hai quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt nắm 216,6 triệu cổ phiếu và 101 triệu cổ phiếu VPBank, tương ứng 2,73% và 1,28% vốn ngân hàng này.

20 CỔ ĐÔNG SỞ HỮU 81% VỐN CỦA OCB

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB – mã chứng khoán: OCB) vừa công bố thông tin về cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, căn cứ thông tin cổ đông cung cấp cho ngân hàng.

Cụ thể, danh sách được OCB công bố có 20 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, có 13 cổ đông tổ chức nắm tổng cộng 1,46 tỷ cổ phiếu OCB, hay 55,7% vốn của ngân hàng và cổ đông cá nhân, sở hữu 24,8% vốn.

Tổng cộng, những cổ đông này nắm 1,66 tỷ cổ phiếu OCB, tương ứng 80,6% vốn điều lệ của ngân hàng.

Theo danh sách được OCB công bố, cổ đông chiến lược Aozora Bank hiện đang là tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu OCB, đạt 308,2 triệu cổ phiếu, tương đương15% vốn điều lệ. Tổng Công ty Bến Thành sở hữu 102 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 4,96% vốn điều lệ. Công ty Cổ phần Đầu tư Bình An House nắm 97,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,74% vốn điều lệ ngân hàng. Công ty Cổ phần Greenwave Capital sở hữu 91,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4,44% vốn OCB.

Danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% cổ phần OCB còn bao gồm Văn phòng Thành Ủy (sở hữu 75 triệu cổ phiếu hay 3,65% vốn); Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Tây Ninh (sở hữu 66,7 triệu cổ phiếu, hay 3,25% vốn); Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Hve (sở hữu 64,5 triệu cổ phiếu hay 3,14% vốn); Portal Global Limted (sở hữu 62,2 triệu cổ phiếu hay 3,03% vốn) và quỹ Pyn Elite Fund (Non-Ucits - sở hữu 49,7 triệu cổ phiếu, hay 2,42% vốn điều lệ).

Đồng thời, cũng có một số cái tên mới như Công ty Cổ phần Đầu tư HVR (nắm 79,2 triệu cổ phiếu hay 3,85% vốn); Công ty Cổ phần Next Green Capital (nắm 59,4 triệu cổ phiếu, hay 2,89% vốn)

Mặc dù là cổ đông lớn thứ 5 của OCB, nắm 91,1 triệu cổ phiếu, hay 4,43% vốn, nhưng Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn cùng với người liên quan sở hữu tổng cộng 19,92% vốn tại OCB hay 409 triệu cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu do ông Tuấn và người liên quan nắm đang vượt trần quy định.

Về các cổ đông cá nhân, Chủ tịch Trịnh Văn Tuấn hiện nắm giữ 91,1 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 4,43% vốn điều lệ. Trong khi người liên quan của ông Tuấn sở hữu tổng cộng 15,486% vốn tại OCB hay 318,2 triệu cổ phiếu. Tổng cộng, ông Tuấn và người liên quan sở hữu tổng cộng 19,916% vốn điều lệ của OCB.

Những cổ đông có liên hệ với ông Tuấn bao gồm: bà Trịnh Mai Linh (con gái ông Tuấn, sở hữu 87,8 triệu cổ phiếu, tương đương 4,27% vốn), bà Trịnh Mai Vân (con gái ông Tuấn, sở hữu 77 triệu cổ phiếu, tương đương 3,75% vốn), bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Tuấn, sở hữu 66 triệu cổ phiếu, hay 3,21% vốn), bà Trịnh Thị Mai Anh (Phó Chủ tịch, con gái ông Tuấn, sở hữu 60,4 triệu cổ phiếu hay 2,94% vốn) và Công ty TNHH Đầu tư TQA (nắm 23,3 triệu cổ phiếu, hay 1,13% vốn).

Cùng với ông Tuấn, ông Phan Trung, Thành viên Hội đồng quản trị của OCB, hiện sở hữu 52,5 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 2,56% vốn. Người liên quan của ông Trung sở hữu khoảng 10 triệu cổ phiếu OCB.

Ngoài các cổ đông là lãnh đạo cấp cao và người liên quan, OCB còn có cổ đông "bí ẩn" khác với rất ít thông tin về danh tính là ông Nguyễn Đức Toàn sở hữu hơn 74,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 3,637% vốn điều lệ. Người liên quan đến ông Toàn cũng sở hữu tới hơn 77,7 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 3,784% vốn điều lệ. Tổng cộng, nhóm cổ đông này đang nắm giữ 152,4 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 7,421% cổ phần ngân hàng này.

BÓNG DÁNG GELEX HIỆN HỮU TẠI EXIMBANK

Còn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB), theo danh sách công bố, ngân hàng này hiện có 5 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại ngày 1/7/2024. Về phía các cổ đông tổ chức, Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán: GEX) đang là cổ đông lớn nhất của ngân hàng này khi sở hữu 4,9% vốn điều lệ.

Hai cổ đông tổ chức còn lại của Eximbank gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX (mã chứng khoán: VIX) sở hữu 3,58% vốn và Công ty Cổ phần Thắng Phương sở hữu 3,07% vốn.

Hai cổ đông cá nhân nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng này bao gồm là bà Lê Thị Mai Loan ( sở hữu 1,03% vốn) và bà Lương Thị Cẩm Tú (sở hữu 1,12% vốn). Trong đó, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank còn bà Lê Thị Mai Loan là Cựu Thành viên Hội đồng quản trị Eximbank.

Như vậy, 5 cổ đông này hiện đang nắm giữ tổng cộng 13,7% vốn của Eximbank.

Còn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội (MB – mã chứng khoán: MBB), căn cứ thông tin cổ đông cung cấp đến ngày 15/7, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm hơn 65,7 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 1,24% vốn điều lệ ngân hàng. Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu gần 1,5% triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 0,02% vốn.

Ngoài Prudential Việt Nam, quỹ ngoại Pyn Elite Fund (NON-UCITS) cầm khoảng 86,3 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với 1,63% vốn. Người liên quan của quỹ này không sở hữu bất cứ cổ phiếu MBB nào. Lượng cổ phiếu MB do Pyn Elite Fund nắm giữ có giá trị hơn 2.100 tỷ đồng.

Trước đó, theo thông tin trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, MB còn có 4 cổ đông lớn, sở hữu tổng cộng 44,345% vốn điều lệ (sau phát hành ESOP) gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông quân đội (Viettel) nắm 1 tỷ cổ phiếu, tương đương 19%; Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 9,8% vốn MB, tương ứng 532 triệu cổ phiếu); Tổng Công ty trực thăng Việt Nam nắm 447 triệu cổ phiếu, tương đương 8,43% vốn; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn sở hữu 376 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 7,1% vốn điều lệ.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 1% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

Cũng tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.

Trước đó, dù nắm giữ vốn tại doanh nghiệp hay ngân hàng, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn doanh nghiệp, ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Ngân hàng SHB giữ lãi suất tiết kiệm ổn định trong tháng 1/2025

Khảo sát tại ngân hàng SHB đầu tháng 1/2025, khung lãi suất tiết kiệm tại quầy và trực tuyến dành cho khách hàng cá nhân của ngân hàng này được duy trì ổn định tại các kỳ hạn. Theo đó, 6,1%/năm là mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tại ngân hàng này…