Nhân viên ngân hàng đón “cơn mưa” thưởng cổ phiếu ESOP

Ngân hàng VIB, Nam A Bank và Techcombank đồng loạt lên kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) nhằm tăng vốn điều lệ, đồng thời nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên...

Nhân viên ngân hàng đón “cơn mưa” thưởng cổ phiếu ESOP

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank – mã chứng khoán: NAB) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thông qua và ban hành quy chế phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Theo đó, Nam A Bank dự kiến phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 500 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hành tương đương 4,726% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian dự kiến thực hiện trong năm 2024, sau khi hoàn tất phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ vốn chủ sở hữu cũng như nhận được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Số lượng cổ phiếu ESOP trên bị hạn chế chuyển nhượng 100% trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, trong năm thứ 2 sẽ giải tỏa 50% số cổ phiếu còn lại.

Cùng thời điểm, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng vừa thông báo về chính sách phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên.

Cụ thể, ngân hàng này sử dụng hơn 110 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu để phát hành cổ phiếu thưởng cho nhân viên (ESOP), tương ứng tổng 11 triệu cổ phiếu. Nếu tính theo vùng giá 21.000 đồng mỗi cổ phiếu VIB duy trì từ đầu năm đến nay, số cổ phiếu thưởng này có trị giá hơn 230 tỷ đồng.

Danh sách cán bộ được nhận cổ phiếu thưởng của VIB bao gồm 1.918 người. Trong đó, số cổ phiếu mỗi người được thưởng dao động 1.000 - 600.000 cổ phiếu, tùy chức vụ và hiệu quả làm việc. Tính trên 12.000 nhân sự đang làm việc tại VIB, khoảng 16% nhân sự nhà băng này được phát thưởng cổ phiếu trong đợt này.

Hiện, người được thưởng nhiều nhất là ông Lê Quang Trung, Giám đốc Khối nguồn vốn ngân hàng VIB, với gần 620.000 cổ phiếu. Tính theo giá chốt phiên ngày 26/7 là 20.900 đồng/cổ phiếu, ước tính giá trị thị trường của số cổ phiếu ông Trung được nhận sẽ rơi vào khoảng 12,9 tỷ đồng.

Tiếp theo là Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ 145.000 cổ phiếu; Phó tổng giám đốc Hồ Văn Long hơn 144.000 cổ phiếu; Giám đốc nhân sự Trần Tuấn Minh hơn 144.000 cổ phiếu. Các thành viên khác trong ban điều hành được thưởng 76.700 cổ phiếu đến 137.000 cổ phiếu.

Top 30 người tiếp theo được nhận mỗi người từ 15.000 - 55.700 cổ phiếu. Còn lại 1.877 cán bộ nhân viên của VIB được nhận từ 1.000 đến gần 20.000 cổ phiếu, tương đương từ 20 triệu - 400 triệu đồng mỗi người.

Tính trên 12.000 nhân sự đang làm việc tại VIB, khoảng 16% nhân sự nhà băng này được phát thưởng cổ phiếu trong đợt này.

Ngân hàng này cho biết, đối tượng được xét thưởng bằng cổ phiếu là các cán bộ nhân viên có thang chức vụ 8 trở lên theo quy định nội bộ, không gồm Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, trừ trường hợp là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, có hợp đồng xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn, đạt xếp loại đánh giá Hiệu quả làm việc từ Đạt tiêu chuẩn trở lên.

Trong năm 2023, ngân hàng VIB đã phát hành 7,6 triệu cổ phiếu cho 1.700 nhân viên. Còn vào năm 2019, VIB cũng thực hiện phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB) cũng đang lên kế hoạch phát hành ESOP. Nội dung phát hành ESOP năm 2024 chưa được nhắc đến trong tài liệu và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay.

Tuy nhiên, ngân hàng này đang rục rịch kế hoạch ESOP sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ lên 70.450 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nếu kế hoạch ESOP mới được thông qua, vốn điều lệ của Techcombank sẽ sớm vượt mốc 70.450 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô tăng vốn từ phát hành ESOP có thể sẽ không quá lớn.

Trước đó, Techcombank đã phát hành 5,27 triệu cổ phiếu ESOP, thu về 52 tỷ đồng và đưa vốn điều lệ lên mức 35.225 tỷ đồng trong năm 2023. Vào năm 2022, ngân hàng cũng đã chào bán 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động. Từ năm 2018 - 2021, Techcombank luôn duy trì chương trình này.

Những năm gần đây, ESOP là một trong những hình thức khen thưởng phổ biến. Thông qua đợt phát hành cổ phiếu ESOP, nhân viên đủ tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi sẽ được thưởng hoặc mua cổ phiếu của công ty với giá ưu đãi. Từ đó nâng cao hiệu quả làm việc để góp sức cho sự phát triển của công ty mà chính họ cũng là cổ đông.

Giới trong ngành cho rằng, chính sách này vừa bảo đảm phúc lợi cho nhân viên mà các ngân hàng không phải tốn nhiều chi phí. Bởi theo chuẩn mực kế toán đang áp dụng tại Việt Nam, khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu ESOP và thị giá không bị phản ánh vào chi phí lương, thưởng.

Vì thế, thưởng bằng ESOP không làm các ngân hàng phát sinh thêm chi phí, lợi nhuận trên báo cáo đẹp mắt hơn so với việc thưởng bằng tiền. Tuy nhiên, các đợt phát hành này thường không được lòng cổ đông, lý do là lo ngại về vấn đề pha loãng cổ phần.

Về tình hình kinh doanh, mới đây, ngân hàng VIB đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2024. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của VIB sau 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vẫn duy trì ở mức 21%

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản VIB đạt hơn 431.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng 5%, cao hơn so với trung bình ngành ngân hàng chỉ 1,5%. Dư nợ tín dụng tính đến hết quý 2 đạt gần 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm

Trong khi đó, tại ngân hàng Techcombank, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quý 2/2024 đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 2/2024 là 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục theo quý của Techcombank.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Techcombank là 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản Techcombank đạt 908.307 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,2% lên 592.083 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6%, đạt 481.860 tỷ đồng.

Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sụt giảm từ 40% hồi đầu năm xuống còn 37,5% cuối tháng 6/2024. Nợ xấu cuối quý 2 tại Techcombank là 7.287 tỷ đồng, tăng 21,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng từ 1,16% (đầu năm) nhích lên 1,23% (cuối tháng 6). Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu ngân hàng đạt 101%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...