Theo báo cáo của Ban điều hành, năm 2016, hoạt động bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng nhất nhờ mở rộng nhanh chóng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và cửa hàng bán lẻ. Doanh thu tăng trưởng 115% so với năm ngoái, đạt 9.248 tỷ đồng.
Một cổ đông chất vấn HĐQT về định hướng chiến lược đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam trước sự cạnh tranh của nhiều tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Thái Lan, Nhật Bản liên tục mở rộng thâu tóm các doanh nghiệp bán lẻ nội để nhanh chóng thâm nhập thị trường và mở rộng thị phần bán lẻ.
Chia sẻ với cổ đông, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, mảng bán lẻ của Vingroup thời gian qua có sự tăng trưởng “nóng” với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích có mặt tại hàng chục tỉnh thành phố lớn. Vingroup cũng mở rộng đầu tư vào thương mại điện tử để bắt kịp xu hướng mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, sau một thời gian thử nghiệm, Vingroup đã đánh giá lại và thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp cho giai đoạn tới.
“Chiến lược của chúng tôi là phát triển kiên trì bám trụ và bền vững”, ông Vượng nói, cho biết, cuộc chiến kinh doanh thương mại điện tử rất khốc liệt, không ít ông lớn bán lẻ trực tuyến cũng bị thua lỗ, phải rời bỏ thị trường… Đơn cử, Vingroup phát triển bán lẻ trực tuyến với thương hiệu Adayroi, đạt doanh số 10 nghìn tỷ đồng và vẫn đang bị lỗ.
Theo ông Vượng, tập đoàn đã tính toán lại và kế hoạch chỉ dành ngân sách 2.500 tỷ đồng cho mảng này và dự kiến giảm lỗ chỉ còn không đáng kể. Nhưng trong thời gian này, tập đoàn sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực từ con số 0 trở thành đội ngũ bán lẻ chuyên nghiệp.
Định hướng chiến lược ở mảng bán lẻ là chuyển từ tăng trưởng nóng sang tăng trưởng ở mức an toàn./.
>> ĐHCĐ Vingroup: Lợi nhuận hơn 3.500 tỷ đồng, không chia cổ tức