Tuy nhiên có một thực tế, DN do nữ làm chủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển kinh doanh so với nam giới.
Để cải thiện điều này, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) cho rằng rất cần sự chung tay của các cơ quan Nhà nước, của các Hiệp hội, cộng đồng xã hội… và của chính cả các thành viên trong gia đình để việc giữ lửa là công việc chung chứ không chỉ là công việc của riêng phụ nữ.
Thống kê cho thấy, có khoảng 24% DN ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ hoặc được lãnh đạo bởi phụ nữ, cao hơn so với mức trung bình ở Đông Nam Á là 8%. Điều đó cho thấy giới nữ đóng vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế, thưa bà?
Chúng ta có thể tự hào về tỷ lệ DN do nữ lãnh đạo, làm chủ so với khu vực và trên thế giới. Tỷ lệ DN do nữ làm chủ của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân; xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ DN là nữ.
Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn mà các nữ doanh nhân đã đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Không chỉ đóng góp vào GDP, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, các doanh nhân nữ còn là lực lượng tiên phong trong thực hiện trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và tiến bộ xã hội. Với truyền thống tự cường, sự thông minh, nhanh nhạy, tôi tin rằng, đội ngũ doanh nhân nữ tiếp tục sẽ phát triển và là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên có một thực tế rằng DN do nữ làm chủ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong quá trình phát triển kinh doanh. Bà có thể cho biết thêm về điều này?
Để đạt được thành công nhất định trong kinh doanh, mỗi phụ nữ sẽ trải qua không ít khó khăn, thách thức. Bên cạnh những khó khăn chung mà doanh nhân nói chung phải đối mặt, thì định kiến về khả năng kinh doanh của phụ nữ là một rào cản lớn đối với họ. Theo một nghiên cứu đăng trên Quartz ngày 14/12/2017, phụ nữ đầy nhiệt huyết khởi nghiệp nhưng các nhà đầu tư có sự phân biệt đối xử, do đó số lượng phụ nữ khởi nghiệp rất khiêm tốn. Các nhà đầu tư hay quan tâm tới vấn đề tại sao phụ nữ thất bại thay vì lý do tại sao họ thành công và thường đánh giá cao triển vọng kinh doanh đối với DN do nam giới lãnh đạo.
DN do nữ làm chủ đa số là kinh doanh quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng tìm kiếm khách hàng, tiếp cận các nguồn lực kinh doanh còn hạn chế: tiếp cận nguồn vốn, thông tin, kiến thức, các chương trình, chính sách hỗ trợ … Với đặc điểm về giới tính và định kiến của xã hội còn tồn tại, phụ nữ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh và trong quá trình vận hành, phát triển DN. Phụ nữ luôn phải nỗ lực gấp nhiều lần nam giới để có thể cân bằng được công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình.
Điều tra của VCCI cho thấy, DN do nữ làm chủ hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về tìm kiếm khách hàng (63% số DN được điều tra), sau đó là khó khăn về biến động thị trường và tìm kiếm khách hàng.
Theo bà, các DN do nữ làm chủ cần làm gì để có thể góp phần khắc phục khó khăn nêu trên?
Để khắc phục những khó khăn này, bản thân doanh nhân nữ cần chủ động và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng, quản trị DN ngày càng chuyên nghiệp hơn. Chị em doanh nhân nữ cần linh hoạt sử dụng các dịch vụ công để giải phóng sức lao động khi công việc kinh doanh quá bận rộn, xây dựng kế hoạch và thời gian biểu khoa học, giám sát tiến độ và có kỹ năng quản lý sự thay đổi tốt để kịp thời ứng phó khi có những bất ổn xảy ra trong DN và trên thị trường; nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là công nghệ thông tin để có thể điều hành, quản lý công việc của DN ở mọi nơi, mọi lúc.
Bên cạnh đó, các DN do nữ làm chủ có thể tăng cường tham gia các tổ chức Hiệp hội, mạng lưới kinh doanh để kết nối mạng lưới đối tác, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm kinh doanh….
Các doanh nhân nữ không thể thành công nếu “đơn thương độc mã” mà sẽ cần sự trợ giúp từ nhiều phía, thưa bà?
Để người phụ nữ cân bằng giữa “công việc kinh doanh” và “cuộc sống gia đình” một cách “đơn thương độc mã” thì sẽ không tránh khỏi có những lúc mất thăng bằng. Phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh rất cần sự quan tâm của gia đình và xã hội. Trước hết, là sự tham gia của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng các văn bản pháp luật đảm bảo sự bình đẳng, khuyến khích sự chia sẻ công việc gia đình giữa nam giới và phụ nữ cũng như ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ DN do nữ làm chủ.
Thứ hai là sự đồng hành và hỗ trợ của các tổ chức Hội, Hiệp hội, tổ chức dịch vụ phát triển kinh doanh…
Thứ ba, cộng đồng xã hội, mà mỗi gia đình – tế bào của xã hội cần xem xét lại cách đánh giá, nhìn nhận và kỳ vọng vào người phụ nữ. Việc coi phụ nữ là “người giữ lửa trong gia đình”, hay gắn trách nhiệm của người phụ nữ với công việc bếp núc “Đàn ông quạnh nhà, đàn bà quạnh bếp” đã đến lúc cần phải thay đổi. Việc giữ lửa là công việc của tất cả các thành viên trong gia đình chứ không chỉ là công việc của riêng phụ nữ.
Bà có thể cho biết vai trò của Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI trong việc trợ giúp này?
Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) luôn xác định rõ sứ mệnh của mình là một tổ chức đồng hành cùng với các doanh nhân nữ Việt Nam. Trong công tác vận động chính sách, VWEC sẽ tiếp tục chủ động khai thác các nguồn lực, tổ chức hội thảo, hội nghị, tổ chức các cuộc khảo sát, triển khai nghiên cứu… lấy ý kiến của các doanh nhân nữ và xây dựng khuyến nghị chính sách gửi VCCI và các cơ quan hữu quan, nhằm đóng góp cho việc xây dựng và sửa đổi các chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ làm kinh doanh.
Với công tác phát triển mạng lưới, VWEC hỗ trợ, tư vấn cho việc thành lập các hiệp hội/Hội DNN ở các địa phương, liên kết trong hệ thống từ trung ương đến địa phương theo phương châm hợp tác, liên kết và linh hoạt không cồng kềnh về tổ chức, không rườm rà về thủ tục. Đặc biệt, trong thời gian tới, VWEC sẽ chú trọng đến việc kết nối DNN Việt Nam với cộng đồng Doanh nhân nữ ASEAN, APEC và các nước trên thế giới.
Trong công tác xúc tiến thương mại đầu tư, VWEC sẽ duy trì việc tổ chức đoàn DN khảo sát thị trường, kết nối kinh doanh B2B tại một số thị trường tiềm năng. Phối hợp với các đối tác của VCCI và Đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ các DN do nữ lãnh đạo gặp gỡ, tiếp xúc với bạn hàng, đối tác, tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm lãnh đạo, kinh doanh của các DN trên thế giới.
Với các hoạt động nâng cao năng lực cho DN do nữ làm chủ, VWEC sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho DNN, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DN do nữ làm chủ, lãnh đạo.
Chúng tôi cũng sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ DNN xây dựng thương hiệu. Kết nối các doanh nhân nữ với các nhà cung ứng để tham khảo và học tập cách xây dựng một thương hiệu lớn. 3 năm một lần, VWEC, VCCI tổ chức bình xét danh hiệu Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu – Cúp Bông Hồng Vàng. Đây là danh hiệu uy tín và đã được cộng đồng DN, doanh nhân nữ ghi nhận. Bên cạnh đó, VWEC cũng giới thiệu hội viên của mình tham gia các giải thưởng khu vực và quốc tế từ đó thương hiệu và danh tiếng của cá nhân DNN cũng như của DN được nâng cao.
Bên cạnh các hoạt động trên, VWEC sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế để triển khai hoạt động hỗ trợ DN xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy bình đẳng giới và trách nhiệm xã hội của DN do nữ làm chủ và các DN sử dụng nhiều lao động nữ.
Bà có muốn gửi gắm điều gì tới cộng đồng doanh nhân nữ nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3?
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cho phép tôi gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các bà, các mẹ và toàn thể chị em phụ nữ Việt Nam. Đối với cộng đồng Doanh nhân nữ nói riêng, tôi xin chúc các chị em luôn trẻ đẹp, khỏe mạnh, hạnh phúc và với sự thông minh, tài trí, khéo léo, linh hoạt của mình, doanh nhân nữ Việt Nam sẽ ngày càng phát huy hơn nữa bản lĩnh, trí tuệ, khả năng sáng tạo, kinh doanh với sắc mầu, phong cách và niềm tự hào của người Việt. Chúc những người chồng, người con và đối tác của các doanh nhân nữ hãy yêu thương người phụ nữ của mình từ trái tim, hãy quan tâm họ từ suy nghĩ, ánh mắt, lời nói cho đến hành động, hãy ghé bờ vai cùng họ gánh vác, chia sẻ công việc gia đình vì “Happy Women, Happy Life”.
Xin cảm ơn bà.
Tính đến hết tháng 9/2019, toàn quốc có hơn 285 nghìn DN do phụ nữ làm chủ, chiếm 24% tổng số DN cả nước, và là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, hầu hết DN trong mô hình này còn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ.