Điểm yếu này, theo ông Lộc, từng được chỉ ra tại diễn đàn năm ngoái nhưng đáng tiếc là sau một năm thực tế vẫn chưa có nhiều biến chuyển.
Trước tình hình đó, người đứng đầu VCCI cho rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cần xác định "cắm rễ sâu, cộng sinh" với doanh nghiệp nội địa. Đây cũng là trách nhiệm xã hội với nơi mà họ đến đầu tư, bởi nếu có đối tác mạnh thì sẽ khiến năng lực cạnh tranh của họ cao hơn.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, ngoại trừ điểm yếu về gắn kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, thì các vấn đề về thể chế, môi trường kinh doanh được cộng đồng doanh nghiệp đưa ra tại VBF năm ngoái sau một năm đã có những cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, hàng loạt quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân được đưa ra như: Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020...
Đặc biệt, cùng với sự quyết tâm từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng có những chuyển biến rõ rệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 (Doing Business 2018 report), một nghiên cứu theo dõi mức độ thuận lợi kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố, có chủ đề “Môi trường kinh doanh 2018: Cải cách để tạo việc làm”, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh.
Cụ thể, Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017; với số điểm 67,93 trên thang 100.
Với thứ hạng này, Việt Nam đang đứng thứ năm trong khu vực ASEAN, sau Singapore (đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng), Malaysia (24), Thái Lan (26), Brunei (56). Đồng thời, cao hơn Trung Quốc 10 bậc khi Trung Quốc xếp thứ 78/190./.