CTCK Agribank (Agriseco, mã: AGR) công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với doanh thu hoạt động 51 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới giảm 23% xuống 6,36 tỷ đồng; Lãi từ các khoản cho vay và phải thu 25,6 tỷ đồng, tăng 13%. Dư nợ margin của Agriseco vào cuối quý III có giá trị 856 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 11,4 tỷ đồng. Danh mục HTM của Agriseco hiện có giá trị 536,6 tỷ đồng, trong đó tiền gửi có kỳ hạn 400 tỷ đồng, trái phiếu SAM 100 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ đạt gần 4 tỷ đồng; lợi nhuận từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán 1,63 tỷ đồng. Danh mục tài sản tài chính sẵn sàng để bán của Agriseco hiện có giá trị ghi sổ gần 490 tỷ đồng với các khoản đầu tư như 7,5 triệu cổ phiếu HNG; 4,9 triệu cổ phiếu VCR; 2,5 triệu cổ phiếu GVR…và đang phải dự phòng 323 tỷ đồng.
Agriseco hiện có hơn 25 tỷ đồng tài sản thế chấp, đến từ các cổ phiếu CDO, FID và FTM. Trong đó, khoản thế chấp 2,36 triệu cổ phiếu FTM có giá trị ghi sổ 16,5 tỷ đồng và đang ghi giảm 9 tỷ đồng đánh giá lại khoản đầu tư.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của Agriseco tăng mạnh 74,4% lên mức 14,9 tỷ đồng. Trong đó, công ty tăng mạnh khoản chi phí dự phòng, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính, chi phí đi vay của các khoản cho vay với 7,5 tỷ đồng, cùng kỳ khoản này chỉ là 187 triệu đồng. Agriseco báo lãi sau thuế 14 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, công ty đạt 146 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 58,3 tỷ đồng, tăng 23,7% và hoàn thành 65% kế hoạch năm. Dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu vẫn ở mức cao với 1.166 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Tổng tài sản công ty tại thời điểm 30/9 đạt 2.093 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Các khoản cho vay đạt 856 tỷ đồng, giảm 11,3%. Tiền và tương đương tiền tăng mạnh trong quý III, từ 25 tỷ đồng lên 215 tỷ đồng.
Đầu tháng 9, một số công ty chứng khoán có dư nợ cho vay margin và có nguy cơ thiệt hại lớn với cổ phiếu FTM, bao gồm Agriseco, VnDirect, MBS, BVSC, Chứng khoán NH Việt Nam, Chứng khoán KIS, Chứng khoán Rồng Việt, Chứng khoán SHS, Chứng khoán IB và Ngân hàng TP Bank.
Số lượng cổ phiếu dùng để vay nợ lên tới 30 triệu cổ phiếu FTM, tương đương khoảng 60% vốn doanh nghiệp.
Qua thống kê, sơ bộ có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Các tài khoản này có hiện tượng bị kiểm soát giao dịch, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM.
Ở chiều ngược lại, cựu Chủ tịch HĐQT Fortex Lê Mạnh Thường bác bỏ mọi cáo buộc làm giá cổ phiếu, thậm chí còn “tố” ngược các công ty chứng khoán cũng có những sai phạm. Ông cho biết đã “nhờ người trích xuất giao dịch hàng ngày, dòng tiền và tài khoản công ty kia chen vào. Khi nào thanh tra vào cuộc thì tìm ra hết”.