Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC, mã chứng khoán: BSI) vừa công bố kết quả quý 2/2023 với doanh thu hoạt động đạt 316 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng tự doanh thu về 121 tỷ đồng, lãi từ các khoản cho vay thu về 107 tỷ đồng lần lượt tăng 81% và 34% so với cùng kỳ. Ngược lại, doanh thu môi giới giảm 23% còn 67,7 tỷ đồng. Lỗ từ tài sản tài chính FVTPL giảm 75% còn gần 30 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí hoạt động của Chứng khoán BIDV giảm 52% còn 92,5 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 38% còn 33,6 tỷ. Trong khí đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 30 tỷ đồng lên mức 39,4 tỷ đồng.
Kết quả, Chứng khoán BIDV báo lãi trước thuế gần 155 tỷ đồng gấp 494 lần so với con số 312 triệu đồng cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ các chi phí, BSI lãi sau thuế 123,6 tỷ đồng, trong khí cùng ghi nhận lỗ gần 6 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của Chứng khoán BIDV tăng nhẹ đạt 603,5 tỷ đồng. Chi phí hoạt động, chi phí tài chính giảm mạnh hơn 200 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 38 tỷ. Sau cùng, Chứng khoán BIDV báo lãi sau thuế 221,3 tỷ, gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán BIDV đạt 8.080 tỷ đồng, tăng 44,5%/ Trong đó, giá trị đầu tư tự doanh tăng thêm hơn 600 tỷ đồng lên mức 2.060 tỷ đồng. Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng gấp 4 lần lên mức 830 tỷ; cho vay margin và phải thu tăng 40,6% lên mức 4.161 tỷ.
Hiện danh mục tự doanh của BSC đang ghi nhận loạt cổ phiếu nổi bật như FPT, HT1, STB, IDC, MWG và đều ghi nhận lãi.
Đáng chú ý, nợ phải trả tăng gấp 2,9 lần so với hồi đầu năm, đạt 3.512 tỷ đồng. Trong đó phần tăng chủ yếu là vay ngắn hạn từ 929 tỷ đồng lên mức 3.147 tỷ đồng. Nhìn vào cơ cấu vay nợ ngắn hạn cho thấy các khoản vay ngân hàng chiếm phần lớn với 2.500 tỷ đồng, 600 tỷ đồng còn lại là các khoản vay cá nhân.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, BSC đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 565 tỷ đồng, tăng 279% so với thực hiện năm 2022. Năm ngoái, công ty lãi trước thuế gần 149 tỷ đồng, thực hiện 32% kế hoạch kinh doanh của năm.
Ngoài ra, công ty đặt mục tiêu lọt top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HOSE. Ngoài ra, hệ số an toàn tài chính dự kiến tối thiểu 260%.
Đánh giá về thị trường năm nay, ban lãnh đạo của BSC cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam đối diện với nhiều thách thức khi suy thoái kinh tế nhiều khả năng sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia được nhiều tổ chức uy tín nhận định là điểm đến đầu tư lý tưởng với mức tăng trưởng tốt.
Trên thị trường, kết phiên 20/7 giá cổ phiếu BSI dừng ở mức 32.600 tỷ đồng, so với phiên đầu năm thị giá đã tăng 75%. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt 1,1 triệu cổ phiếu, vốn hoá thị trường gần 6.600 tỷ đồng.