Kết thúc phiên 18/12, chỉ số Dow Jones giảm 1.123,03 điểm (-2,58%) xuống 42.326,87, S&P 500 mất 178,45 điểm (-2,95%) còn 5.872,16 điểm, trong khi Nasdaq Composite trượt 716,37 điểm (-3,56%) thành 19.392,69 điểm.
Dow Jones chứng kiến đà suy giảm trong 10 phiên liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/1974 khi chỉ số này trượt dốc 11 phiên liên tục. Cả S&P 500 và Dow Jones đều ghi nhận mức giảm trong 1 ngày lớn nhất kể từ 5/8, còn Nasdaq là từ 24/7.
Nguyên nhân dẫn đến diễn biến tiêu cực là bởi mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm đúng như dự đoán nhưng quan điểm thận trọng hơn vào năm tới đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng.
Cụ thể, trong tóm tắt dự báo kinh tế (SEP), Fed dự kiến sẽ chỉ giảm thêm tổng cộng 0,5 điểm phần trăm từ nay cho đến cuối năm 2025. Dự báo này dựa trên cơ sở thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và xu hướng giảm lạm phát đang bị chững lại.
"Nếu nhìn vào những thay đổi trong dự báo kinh tế, đúng là Fed thực sự không có lựa chọn nào khác”, bà Ellen Hazen, chiến lược gia trưởng tại F.L. Putnam Investment Management cho biết.
Hiện tại, lãi suất quỹ liên bang của Fed đang đứng ở mức 4,25% - 4,50. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng sau tuyên bố của Fed, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ ngày 31/5 là 4,518%.
Chỉ số Russell 2000, đại diện cho các công ty vốn hóa nhỏ, chịu mức giảm mạnh nhất (-4,4%) kể từ ngày 16/6/2022.
Chỉ số biến động CBOE (VIX), thước đo “nỗi sợ hãi” của Phố Wall, đã tăng 11,75 điểm lên mức cao nhất trong bốn tháng là 27,62 điểm.
Lãi suất cao thường được coi là yếu tố gây áp lực cho thị trường chứng khoán, bởi nó làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản ít rủi ro hơn và hạn chế khả năng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty. Tất cả 11 nhóm ngành chính của S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, với bất động sản giảm 4% và hàng tiêu dùng không thiết yếu giảm 4,7%.
Cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử cũng lao dốc, đặc biệt sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố ngân hàng trung ương không được phép sở hữu bitcoin và không tìm cách thay đổi quy định đó. MicroStrategy lao dốc 9,5%, MARA Holdings giảm 12,2%, và Riot Platforms trượt 14,5%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 18,59 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình 14,36 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Mặc dù trải qua nhiều “sóng gió” trong các phiên giao dịch gần đây, nhưng chỉ số Dow Jones vẫn ghi nhận mức tăng 12,3% kể từ đầu năm, S&P 500 tăng khoảng 23% và Nasdaq tăng hơn 29%. Phần lớn thành tích này được hỗ trợ bởi sự phấn khích xung quanh trí tuệ nhân tạo và công ty công nghệ, cùng với triển vọng lãi suất thấp và hy vọng các chính sách thân thiện với doanh nghiệp của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng một số chính sách của ông Trump, chẳng hạn như áp thuế bổ sung, có thể làm gia tăng lạm phát.
GIÁ DẦU HỒI PHỤC
Trên thị trường năng lượng, giá dầu phục hồi vào thứ Tư khi lượng dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và Fed cắt giảm lãi suất đúng như dự kiến. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào do tuyên bố điều chỉnh chậm lại tốc độ cắt giảm lãi suất của Fed.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 20 cent, tương đương 0,27%, lên 73,39 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ tăng 50 cent, tương đương 0,71%, lên 70,58 USD/thùng.
Lượng dự trữ dầu thô và dầu chưng cất của Mỹ đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 13/12, trong khi lượng dự trữ xăng lại đi lên, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Tổng sản phẩm cung ứng đạt 20,8 triệu thùng/ngày, tăng 662.000 thùng/ngày so với tuần trước.
"Thị trường dường như đã thoát khỏi tâm lý tiêu cực cách đây vài tuần”, ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group nhận định.
Tuy nhiên, chỉ số US Dollar Index đã tăng vọt lên mốc cao nhất trong năm là 108,156 sau các tuyên bố của Fed, từ đó khiến giá dầu bị ảnh hưởng.