Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhờ sự lạc quan về ngân hàng, trần nợ

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh vào 17/5, được thúc đẩy bởi sự lạc quan về ngành ngân hàng và một thỏa thuận trần nợ liên bang tiềm năng trị giá 31,4 nghìn tỷ USD…
Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhờ sự lạc quan về ngân hàng, trần nợ
chứng khoán Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 408,63 điểm, tương đương 1,24%, lên 33.420,77 điểm; S&P 500 tăng 48,87 điểm, tương đương 1,19%, lên 4.158,77 điểm; và Nasdaq Composite thêm 157,51 điểm, tương đương 1,28%, ở mức 12.500,57 điểm. 

Đà phục hồi trong phiên 17/5 đánh dấu mức tăng phần trăm lớn nhất trong một ngày đối với cả ba chỉ số chính kể từ 5/5. 

Sự tăng vọt của cổ phiếu ngân hàng khu vực đã nâng cao tâm lý thị trường, dẫn đầu là mức tăng 10,19% của Western Alliance Bancorp, một ngày sau khi ngân hàng cho biết tổng tiền gửi đã tăng hơn 2 tỷ USD trong quý kết thúc vào ngày 12/5.

Chỉ số ngân hàng khu vực KBW tăng vọt 7,28%, đạt mức tăng phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 6/1/2021 và đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 1/5. Chỉ số ngân hàng S&P 500 cũng tăng 4,46%, ghi nhận mức tăng phần trăm trong một ngày cao nhất kể từ 10/11/2022.

Ngoài ra, một yếu tố khác hỗ trợ cho chứng khoán Mỹ là cổ phiếu Tesla, tăng 4,41% sau cuộc họp cổ đông thường niên. CEO Tesla Elon Musk đã phủ nhận suy đoán của thị trường rằng ông có thể từ chức Giám đốc điều hành công ty, đề cập đến hai mẫu xe dành cho thị trường đại chúng mới mà Tesla đang phát triển và tái khẳng định rằng việc giao xe bán tải Cybertruck, vốn bị trì hoãn từ lâu, sẽ bắt đầu trong năm nay. Ngoài ra, một nguồn tin có kiến thức trực tiếp về vấn đề tiết lộ với Reuters rằng Tesla đã đề xuất thành lập một nhà máy sản xuất xe điện ở Ấn Độ để phục phụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ khác, các nhà bán lẻ như Target Corp và TJX Companies Inc đều dự báo lợi nhuận quý hiện tại thấp hơn kỳ vọng mặc dù đã đánh bại các ước tính trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, cổ phiếu của Target tăng 2,58%, trong khi TJX Companies đóng cửa cao hơn 0,93% sau một phiên đầy biến động. Mức tăng này, cùng với sự phục hồi của Tesla, đã giúp nâng chỉ số hàng tiêu dùng không thiết yếu lên khoảng 2%.

Với sự phục hồi trong ngày 17/5, S&P một lần nữa tiến gần tới mức đỉnh trong phạm vi giao dịch gần đây, vào khoảng 4.160 điểm, đóng vai trò là điểm kháng cự. Các nhà phân tích cho rằng một chất xúc tác chính như thỏa thuận về trần nợ hoặc sự rõ ràng về lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn nữa. 

Dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại sau một loạt các đợt tăng lãi suất của Fed để kiềm chế lạm phát. Điều đó, cùng với các cuộc đàm phán gần đây về trần nợ của Mỹ, đã thu hút mọi sự chú ý vào việc liệu khi nào ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng tăng lãi suất hoặc cắt giảm lãi suất.

Mặc dù thị trường đang đặt cược cho việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm, những bình luận gần đây từ các quan chức Fed cho thấy họ chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất sớm như vậy.

Trong khi đó, tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hôm 17/5 đã nhắc lại quyết tâm của họ trong việc sớm đạt được một thỏa thuận để nâng trần nợ và tránh một vụ vỡ nợ thảm khốc cho nền kinh tế. Nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/6, Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ có thể bắt đầu cạn kiệt tiền để thanh toán các hóa đơn của chính phủ, có khả năng gây ra suy thoái kinh tế.

“Thị trường thấy được sự lạc quan vê trần nợ và ngành ngân hàng. Mỗi ngày trôi qua mà không có vấn đề gì mới, là một ngày chúng ta có thể dần bỏ các lo ngại lại phía sau“, ông Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments nhận xét. “Chắc chắn chất xúc tác cho diễn biến thị trường trong phiên là khi cả ông Biden và McCarthy đều nói rằng đã gần đạt được một thỏa thuận cho trần nợ”. 

Trong ngày, khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 10,35 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 10,59 tỷ cho cả phiên trong 20 phiên giao dịch vừa qua.

Ở các khu vực khác trên thế giới, cổ phiếu châu Âu đóng cửa ở mức thấp hơn do tâm lý bị đè nặng bởi thu nhập giảm và lo ngại về khả năng vỡ nợ của Mỹ. Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu mất 0,15%. Chỉ số chứng khoán của MSCI trên toàn cầu tăng 0,6%.

Cổ phiếu thị trường mới nổi mất 0,26%. Chỉ số rộng nhất của MSCI về cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản đóng cửa ở mức thấp hơn 0,5%, trong khi chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,84%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng giảm lần thứ 3 liên tiếp

Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 3 liên tiếp

Trong bối cảnh giá xăng thế giới đang trên đà chinh phục đỉnh mới, giá bán lẻ xăng trong nước lại có xu hướng ngược lại khi tiếp tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành tuần này…

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch quốc tế khi nhà đầu tư tận dụng cơ hội mua vào trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ và hàng loạt dữ liệu kinh tế sắp công bố. Trong nước, giá vàng vẫn duy trì ở mức cao, chênh lệch khoảng 2,4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới…