Chứng khoán Mỹ phục hồi nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hoá lớn

Chứng khoán Mỹ đóng cửa cao hơn vào 10/1 khi các công ty vốn hóa lớn tăng điểm, nhưng mức tăng bị hạn chế trước báo cáo lạm phát và thu nhập của các ngân hàng lớn vào cuối tuần…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chứng khoán Mỹ phục hồi nhờ sự dẫn dắt của các cổ phiếu vốn hoá lớn

Kết thúc phiên 10/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 170,57 điểm (+0,45%) lên 37.695,73 điểm, S&P 500 thêm 26,95 điểm (+0,57%) thành 4.783,45 điểm và Nasdaq Composite tăng 111,94 điểm (+0,75%) lên 14.969,65 điểm.

Dịch vụ truyền thông là ngành hoạt động tốt nhất trong 11 lĩnh vực S&P chính, nhờ cổ phiếu Meta Platforms tăng 3,65%, đạt mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 9/2021 sau khi Mizuho nâng mục tiêu giá từ 400 USD lên 470 USD.

Microsoft, Meta Platforms và Nvidia là những động lực thúc đẩy lớn nhất đối với chỉ số S&P 500, khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giữ ở mức gần 4% và cuộc đấu giá 37 tỷ USD trái phiếu kho bạc đã thu hút nhu cầu trên mức trung bình.

Nvidia chạm mức cao kỷ lục và đóng cửa tăng 2,28% khi khi nhà sản xuất chip TSMC vượt qua kỳ vọng về doanh thu quý 4.

Boeing phục hồi 0,92% sau khi Giám đốc điều hành Dave Calhoun thừa nhận sai sót của nhà sản xuất về sự cố nổ bảng điều khiển vào đầu tuần này.

Cổ phiếu tiền điện tử hầu hết đều giảm, với Coinbase mất 0,46% và Riot Platforms trượt 1,21% sau khi cơ quan quản lý Mỹ cho biết một thông báo trên mạng xã hội liên quan đến sự chấp thuận của các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) đã bị hack.

DocGo lao dốc 37,58% bởi Fuzzy Panda Research tiết lộ vị thế bán khống cổ phiếu của công ty dịch vụ y tế này.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,81 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,22 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Sau khi kết thúc năm 2023 với sự phục hồi mạnh mẽ, chứng khoán đã phải vật lộn để tìm lại động lực. Trong đó, S&P 500 hoạt động hầu như không mấy tích cực ở tuần đầu tiên của năm mới, do dữ liệu kinh tế trái chiều và nhận xét từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến giới đầu tư hạ bớt kỳ vọng về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ trong năm nay.

Nhưng mức tăng hôm 10/1 khiến giúp chỉ số S&P 500 chỉ còn cách 0,27% so với mức đóng cửa kỷ lục 4.796,56 điểm được thiết lập vào ngày 3/1/2022.

Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư chính tại CFRA, cho biết: “Những gì thị trường đang làm là đánh giá lại kỳ vọng vào năm 2024 về thu nhập và lãi suất, đồng thời tìm cách biện minh cho sự tăng vọt về giá mà chúng ta đã thấy trong tháng 11 và tháng 12”.

Trọng tâm sẽ chuyển sang các báo cáo lạm phát tháng 12, lần lượt được công bố vào 11 và 12/1, có thể giúp xác định lộ trình chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York John Williams cho biết hôm 9/1 rằng vẫn còn quá sớm để kêu gọi cắt giảm lãi suất vì ngân hàng trung ương vẫn còn một khoảng cách xa để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Theo Công cụ FedWatch của CME, thị trường đã hạ kỳ vọng xuống mức 67,6% khả năng cho việc cắt giảm lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3.

Vào thứ Sáu, các ngân hàng hàng đầu như JPMorgan Chase, Bank of America, Citigroup và Wells Fargo sẽ báo cáo lợi nhuận quý 4.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô biến động trong phiên 9/1. Hợp đồng tương lai dầu Brent đáo hạn vào tháng 3 tăng 0,1% lên 76,92 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI giảm 0,1% xuống 71,36 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng đều chứng kiến biến động giá lớn kể từ đầu năm đến nay khi thị trường cân nhắc khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông trước lo ngại về nhu cầu ngày càng suy yếu. Áp lực từ sự phục hồi của đồng USD cũng hạn chế bất kỳ mức tăng lớn nào của dầu thô.

Dữ liệu EIA mới đây cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 1,3 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 5/1, khác hẳn ước tính giảm 0,7 triệu thùng trước đó. Mặc dù mức tăng mới chỉ ở mức tối thiểu nhưng thị trường vẫn phải đối mặt với những tín hiệu tiêu cực từ tuần thứ hai liên tiếp về số lượng tồn kho, làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu của Mỹ, vốn đã suy yếu trong những tháng gần đây do nhu cầu đi lại giảm trong mùa đông.

Bên cạnh đó cũng là những suy đoán về sự suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2024 trong bối cảnh áp lực từ lãi suất cao và lạm phát còn khó khăn.

Có thể bạn quan tâm