Kết thúc phiên 2/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 25,5 điểm (+0,07%) lên 37.715,04 điểm, S&P 500 mất 27 điểm (-0,57%) kết thúc ở 4.742,83 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 245,41 điểm (-1,63%) xuống 14.765,94 điểm.
Trong 11 lĩnh vực chính của S&P 500, chăm sóc sức khỏe là ngành có thành tích rực rỡ nhất, với mức tăng 1,8% đã đưa nó lên mốc đóng cửa cao nhất kể từ giữa tháng 12/2022. Giúp thúc đẩy cho ngành là mức tăng 13,1% của Moderna sau khi nhà sản xuất vaccine được công ty môi giới Oppenheimer nâng cấp và nhắc lại mục tiêu của công ty trong việc đạt được mức tăng trưởng doanh số năm 2025.
Chỉ số năng lượng cũng tăng 1,2% bất chấp giá dầu thô giảm do lo ngại về triển vọng kinh tế.
Lĩnh vực công nghệ thông tin giảm mạnh 2,6%, mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 2/8/2023.
Cổ phiếu Apple trượt 3,6% sau khi Barclays hạ xếp hạng của “gã khổng lồ” công nghệ xuống mức “giảm tỷ trọng”, với lý do là bởi nhu cầu iPhone suy yếu. Các cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng đi xuống, bao gồm Nvidia, Meta Platforms và Microsoft, giảm từ 1,4% đến 2,7%.
Cổ phiếu Tesla đi ngang, dù công ty đưa ra báo cáo đã cung cấp số lượng xe điện kỷ lục trong quý 4, vượt qua ước tính của thị trường và đạt mục tiêu 1,8 triệu xe vào năm 2023.
Boeing mất 3,4% sau khi Goldman Sachs loại công ty hàng không vũ trụ này khỏi danh sách niềm tin (conviction list) - một cấp độ xếp hạng cổ phiếu riêng của ngân hàng.
Trong khi đó, Citigroup tăng 3,1% lên 53,04 USD/cổ phiếu, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022 khi Wells Fargo nâng mục tiêu giá cho ngân hàng lên 70 USD. Nhà phân tích Mike Mayo cũng cho biết Citigroup là lựa chọn hàng đầu của ông trong số các ngân hàng lớn vào năm 2024 và ông kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng gấp đôi lên hơn 100 USD trong ba năm tới.
Các cổ phiếu liên quan đến tiền điện tử như MicroStrategy cũng lên giá khi Bitcoin lần đầu tiên vượt qua mức 45.000 USD kể từ tháng 4/2022 do có sự lạc quan xung quanh khả năng phê duyệt của các quỹ Bitcoin ETF.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,86 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,4 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Phiên giao dịch mờ nhạt đầu 2024 diễn ra sau một năm mà ba chỉ số chính của Phố Wall ghi nhận mức tăng hai con số nhờ sự lạc quan xung quanh trí tuệ nhân tạo và tình hình lạm phát dần ổn định. S&P 500 đã kết thúc vào tuần trước với khoảng cách chỉ 1% so với mức cao kỷ lục đạt được vào đầu năm 2022.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã chịu áp lực trong ngày 2/1 khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, với kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong hai tuần trước khi giảm nhẹ xuống 3,937%.
Sự biến động như vậy của lợi suất trái phiếu kho bạc phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất trong năm nay tại Mỹ. Ngược lại, điều này cũng đè nặng lên các cổ phiếu tăng trưởng - trong số đó có cổ phiếu công nghệ - vốn thường được hưởng lợi từ môi trường lợi suất thuận lợi hơn.
Jason Pride, giám đốc chiến lược đầu tư & nghiên cứu tại Glenmede, cho biết: “Mọi người đều rất phấn khích trước đợt phục hồi cuối năm 2023. Nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta đã vượt qua khó khăn hay chưa? Tôi nghĩ là chưa, bởi ngay cả khi Fed hạ lãi suất dần dần, chính sách tiền tệ vẫn thắt chặt và vẫn có khả năng gây trở ngại cho hoạt động kinh tế tổng thể”.
Biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed và một loạt dữ liệu về thị trường lao động sẽ được công bố trong tuần này khi các chuyên gia và nhà đầu tư đưa ra các dự đoán xác định thời điểm cắt giảm lãi suất tiềm năng.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, trong khi Fed được nhiều người cho là sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tháng 1, thì các nhà giao dịch đặt cược gần 70% khả năng cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024 ở mức thấp hơn khi đã có những sự giảm bớt trong lo ngại rằng căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ làm gián đoạn nguồn cung.
Dầu thô Brent ổn định ở mức 75,89 USD, giảm 1,15 USD hay 1,5%. Dầu thô WTI ghi nhận mức 70,38 USD / thùng, giảm 1,27 USD hay 1,8%.
Đồng USD cũng mạnh lên vào thứ Ba, trong khi cổ phiếu trượt dốc, càng gây áp lực giảm giá dầu.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy các nhà kinh tế dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 82,56 USD/thùng trong năm nay, tăng nhẹ so với mức trung bình năm 2023 là 82,17 USD. Theo họ, tốc độ tăng trưởng toàn cầu yếu dự kiến sẽ hạn chế nhu cầu nhưng bất kỳ diễn biến căng thẳng địa chính trị nào cũng có thể hỗ trợ giá cả.