Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones tăng 537,98 điểm (+1,24%) lên 44.025,81 điểm, S&P 500 thêm 52,58 điểm (+0,88%) thành 6.049,24 điểm và Nasdaq Composite leo 126,58 điểm (+0,64%) đạt mức cao nhất kể từ ngày 6/1.
Chỉ số Russell 2000, tập trung vào các công ty nhỏ nội địa, ghi nhận thành tích vượt trội hơn so với các chỉ số vốn hóa lớn với mức tăng 1,85%. Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, 6 lĩnh vực có đà tăng ít nhất 1%, trong khi năng lượng giảm nhẹ 0,64%. Cụ thể, công nghiệp tăng mạnh nhất (+2,03%) nhờ vào các cổ phiếu như 3M leo 4,2% sau khi có báo cáo lợi nhuận quý 4/2024 đầy khả quan. Ngành tiện ích cũng được hỗ trợ bởi cổ phiếu năng lượng hạt nhân sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành nhiều sắc lệnh thúc đẩy sản xuất năng lượng. Những mã tích cực nhất bao gồm Vistra Corp, NRG Energy và Constellation Energy.
Cổ phiếu Apple giảm 3,2% sau khi công ty môi giới Jefferies hạ xếp hạng xuống mức "kém hiệu quả". Ngược lại, cổ phiếu các hãng sản xuất ô tô lại tăng điểm. Ford leo 2,5%, General Motors thêm 5,7% nhờ được Deutsche Bank nâng xếp hạng.
Ở một số diễn biến khác, Walgreens lao dốc 9,2% vì thông tin Bộ Tư pháp cáo buộc hãng cung cấp trái phép các đơn thuốc giảm đau gây nghiện và các loại thuốc khác. Cổ phiếu Moderna leo 5,4% sau khi nhận được 590 triệu USD từ chính phủ Mỹ để đẩy nhanh phát triển vaccine cúm gia cầm.
Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump, chỉ số S&P 500 đã tăng vọt gần 68%, nhưng trải qua nhiều đợt biến động, một phần do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Hiện tại, ông Trump chưa đưa ra thêm thông tin cụ thể về thuế quan bổ sung đối với các đối tác thương mại gần gũi, nhưng lại tiết lộ rằng ông đang cân nhắc việc đánh thuế lên hàng hóa từ Canada và Mexico sớm nhất vào ngày 1/2.
Mặc dù các nhà đầu tư vẫn thận trọng với nguy cơ thuế quan và khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu đẩy lạm phát lên cao, nhưng công ty môi giới Goldman Sachs đã hạ dự báo về khả năng này trong năm nay từ khoảng 40% vào tháng 12/2024 xuống còn 25%.
"Nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm, thậm chí bất ngờ khi thuế quan không được đề cập trong các sắc lệnh hành pháp đầu tiên vào ngày hôm qua. Thị trường đang đi đến kết luận rằng chính quyền mới sẽ có cách tiếp cận tinh tế hơn”, bà Carol Schleif, chiến lược gia trưởng tại BMO Private Wealth nhận xét.
Trên thực tế, chính quyền Trump 2.0 được cho là sẽ sử dụng thuế quan như một chiến thuật để đàm phán. Tuy nhiên, thị trường có thể vẫn phải đối mặt với một số “sóng gió” nếu ông Trump đưa ra các đề xuất thử nghiệm về thuế quan.
Hiện tại, lạm phát vẫn đang ở mức cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), từ đó làm dấy lên lo ngại rằng các chính sách sắp tới có thể làm chậm tốc độ nới lỏng chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ. Giới kinh tế dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới và kỳ vọng lần cắt giảm đầu tiên trong năm nay sẽ diễn ra vào tháng 6.
GIÁ DẦU GIẢM MẠNH
Giá dầu giảm vào thứ Ba sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp năng lượng quốc gia trong ngày đầu tiên tại vị, làm dấy lên mỗi quan ngại về sản lượng tăng cao trong bối cảnh thị trường dự kiến sẽ dư thừa cung.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 86 cent, tương đương 1,1%, xuống 79,29 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,99 USD, tương đương 2,6%, xuống còn 75,89 USD/thùng.
Ông Robert Yawger, nhà phân tích tại Mizuho lưu ý rằng sản lượng dầu của Mỹ đang ở mức cao kỷ lục và nhóm sản xuất OPEC+ vẫn đang hạn chế khoảng 5,86 triệu thùng/ngày. "Điều thiếu ở đây là nhu cầu chứ thị trường không còn sợ thiếu cung”, ông Yawger nhấn mạnh.
Thị trường dầu dự kiến sẽ dư thừa trong năm nay khi hoạt động kinh tế yếu và các nỗ lực chuyển đổi năng lượng làm giảm nhu cầu tại các quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ và Trung Quốc. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) lưu ý rằng giá dầu sẽ giảm trong năm 2025 và 2026.